9.2.1. Xác định hành vi cố ý tước đoạt một cách trái pháp luật sinh mạng người khác
VBQPPL:
- BLHS (Điều 9 và Điều 123)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• “Cố ý” bao gồm cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp:
- Cố ý trực tiếp là kẻ có hành vi phạm tội thấy rõ hành vi của mình sẽ có hậu quả làm chết người khác và mong muốn cho người đó chết nên đã thực hiện hành vi đó;
- Cố ý gián tiếp là kẻ có hành vi phạm tội thấy rõ hành vi của mình có khả năng làm chết người, mặc dù không mong muốn cho hậu quả đó xảy ra nhưng vẫn thực hiện để mặc cho hậu quả xảy ra.
• Để xác định lỗi “cố ý” của người có hành vi phạm tội đối với hậu quả chết người cần đánh giá toàn diện các tình tiết khách quan của vụ án, cụ thể:
- Phương tiện, công cụ phạm tội: phương tiện, công cụ phạm tội càng có tính nguy hiểm cao (như dao to, sắc, nhọn; súng; lựu đạn; thuốc độc...) sẽ có khả năng cao dẫn đến hậu quả chết người;
- Vị trí tấn công trên cơ thể nạn nhân: tấn công trên các vùng xung yếu như đầu, ngực, bụng có tính nguy hiểm cao;
- Cường độ tấn công: việc tấn công với cường độ cao sẽ rất nguy hiểm (Ví dụ: đấm, đá, đạp mạnh lên đầu, ngực, bụng nạn nhân một cách liên tục dẫn đến nạn nhân chết).
• Thông thường, hậu
quả của tội giết người là nạn nhân chết, nhưng cũng có trường hợp chỉ gây
thương tích, thậm chí không gây thương tích gì (như bắn nhưng đạn không nổ).
9.2.2. Phân biệt tội “Giết người” với tội “Cố ý gây thương tích” (trong trường hợp dẫn đến chết người)
VBQPPL:
- BLHS (Điều 123 và Điều 134)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Tội giết người với hậu quả làm chết người và tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người đều có mặt khách quan giống nhau là nạn nhân bị chết, nhưng khác nhau ở mặt chủ quan:
- Ở tội giết người, người có hành vi phạm tội mong muốn (hoặc để mặc) cho hậu quả chết người xảy ra;
- Ở tội cố ý gây thương tích, người có hành vi phạm tội không có ý định tước đoạt sinh mạng mà chỉ mong muốn (hoặc để mặc) cho thương tích xảy ra, tức là vô ý với cái chết của nạn nhân.
• Thông thường, dễ nhầm lẫn giữa giết người (với lỗi cố ý gián tiếp) với cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Do đó, cần xác định rõ người có hành vi phạm tội có thấy rõ hành vi của mình có khả năng làm chết người khác hay không:
- Nếu thấy rõ mà vẫn thực hiện thì cần xác định là hành vi giết người. Ví dụ: A và B là hai thợ xây, trong lúc làm việc đã xảy ra cãi nhau, mọi người đã can ngăn nhưng A vẫn chửi B, trong lúc nóng giận, B cầm cây cọc tre (dùng để đóng móng nhà) nện một gậy chí tử vào đầu A. A đã chết trên đường đi cấp cứu. Trong trường hợp này, B thực hiện hành vi trong một lúc nóng giận. Nhưng với nhận thức của một người bình thường thì B hoàn toàn có khả năng nhận thức được rằng một cú đánh mạnh của mình có khả năng làm chết người, nhưng y vẫn thực hiện và để mặc hậu quả xảy ra. B đã phạm tội giết người;
- Nếu người có hành
vi phạm tội không thấy được hành vi của mình có khả năng làm chết người thì cần
xác định đó là cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Ví dụ: A và B cãi nhau,
A đấm thẳng vào mặt B làm B ngã ngửa ra đằng sau, gáy đập vào một hòn đá nhọn
và đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Trong trường hợp này, A chỉ mong muốn làm
đau B và không thấy được cú đấm của mình có khả năng làm chết người. A phạm tội
cố ý gây thương tích (trong trường hợp dẫn đến chết người).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét