9.1. Về tội Cướp tài sản

9.1.1. Xác định một số hành vi khách quan của tội “Cướp tài sản”

VBQPPL:

- BLHS (Điều 168)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  “Dùng vũ lực” là dùng sức mạnh vật chất để tấn công bị hại, có thể gây thiệt hại cho sức khoẻ, tính mạng của bị hại, làm tê liệt sự phản kháng của họ. (Ví dụ: đánh, đấm, đâm, chém, bắn bị hại). Việc dùng vũ lực có thể công khai, cũng có thể là bí mật, lén lút (Ví dụ: đánh công khai trước mặt bị hại, đánh sau lưng bị hại để họ không biết ai đánh).

  “Đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc” là đe doạ dùng ngay lập tức sức mạnh vật chất. Việc đe doạ này nhằm làm cho người bị tấn công hoặc người thân của họ tin và sợ sẽ bị nguy hại ngay đến sức khoẻ, tính mạng nếu không chịu khuất phục, nhằm làm tê liệt ý chí kháng cự của họ. Thực tế, việc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc thường được kết hợp với thái độ, cử chỉ, lời nói, công cụ, phương tiện có trên tay hoặc tương quan lực lượng như đông người đe doạ một người, lợi dụng hoàn cảnh khách quan, thời gian, tình hình xã hội nơi và lúc xảy ra hành vi để tạo nên cảm giác lo sợ của người bị tấn công.

  Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được như cho bị hại uống thuốc ngủ, thuốc mê, uống rượu để họ ngủ say nhằm chiếm đoạt tài sản. Người bị tấn công có thể biết sự việc xảy ra nhưng không thể thực hiện được hành vi chống trả hoặc không nhận thức được sự việc đang xảy ra.

  Tội “Cướp tài sản” có cấu thành hình thức, chỉ cần thực hiện một trong các hành vi nói trên nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm đã hoàn thành, không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản như mong muốn hay không.

9.1.2. Phân biệt tội "Cướp tài sản" với một số tội có tính chất chiếm đoạt tài sản khác

VBQPPL:

- BLHS (các điều 170, 171, 172 và 173)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Xác định tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 BLHS có hành vi khách quan “đe doạ sẽ dùng vũ lực...” là hành vi doạ sẽ gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng trong tương lai nếu không thoả mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội. Khác với tội “Cướp tài sản” đe doạ “dùng vũ lực ngay tức khắc” thì tội “Cưỡng đoạt tài sản” là đe doạ “sẽ dùng vũ lực” tức là dùng vũ lực trong tương lai, có khoảng cách về thời gian. Sự đe doạ này không có tính nguy hiểm như tội cướp. Người bị đe doạ còn có điều kiện để chống cự lại, có thời gian để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý trước khi hành vi chiếm đoạt xảy ra. Căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành của tội cưỡng đoạt tài sản và các dấu hiệu cấu thành của tội cướp tài sản tại điểm 9.1.1 tiểu mục 9.1 mục 9 Phần thứ hai này để phân biệt các tội phạm này.

  Xác định tội “Cướp giật tài sản”, tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” và tội "Trộm cắp tài sản” quy định tại các điều 171, 172 và 173 BLHS. Đối với các tội phạm này, hành vi khách quan ban đầu khác nhau, người có hành vi cướp giật tài sản và công nhiên chiếm đoạt tài sản là thực hiện hành vi công khai, không có ý định che giấu hành vi đó. Đối với tội cướp giật tài sản là lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu tài sản, người phạm tội nhanh chóng tiếp cận chủ sở hữu tài sản để chiếm đoạt và lẩn tránh. Đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì công khai, lợi dụng hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để chiếm đoạt tài sản. Đối với tội “Trộm cắp tài sản” thì người phạm tội lén lút chiếm đoạt tài sản. Căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành của các tội phạm này và các dấu hiệu cấu thành của tội cướp tài sản tại điểm 9.1.1 tiểu mục 9.1 mục 9 Phần thứ hai này để phân biệt sự khác nhau giữa tội cướp tài sản và các tội phạm này.

  Lưu ý: Trong các trường hợp trên, nếu người phạm tội đang trong giai đoạn chiếm đoạt tài sản như vừa cầm được tài sản trong tay bị hại thì bị hại giành giật lại, hoặc đang trong lúc giằng co tài sản mà người phạm tội đánh, đấm, đâm, chém... bị hại để chiếm đoạt bằng được tài sản đó thì lúc này người phạm tội đã dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản và do đó chuyển hoá thành tội “Cướp tài sản”. Tuy nhiên, trong trường hợp hành vi phạm tội trên đã hoàn thành, nhưng do bị phát hiện đuổi bắt mà đánh, chém... bị hại hoặc người đuổi bắt thì đây chỉ là hành vi hành hung để tẩu thoát. Ví dụ: một người có hành vi trộm cắp tiền của người khác, khi họ vừa móc túi bị hại, bị hại giữ được tay họ đang cầm ví tiền, hai người đang giằng co, người phạm tội đấm, đánh người kia, làm họ bỏ tay ra, người phạm tội chiếm đoạt ví tiền và bỏ vào túi của mình rồi chạy thì trường hợp này tội trộm cắp tài sản đã chuyển hoá thành tội “Cướp tài sản”. Nếu người phạm tội đã lấy được tài sản và bỏ đi một đoạn, bị hại phát hiện mất trộm, nên đuổi theo bắt người phạm tội và bị đánh trả thì vẫn là tội trộm cắp tài sản với tình tiết định khung hình phạt “hành hung để tẩu thoát” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 173 BLHS.

9.1.3. Xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp tài sản”

VBQPPL:

- BLHS (các điều 9, 12, 90, 91 và 168)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Nghiên cứu kỹ các khoản của Điều 168 BLHS và xác định tội cướp tài sản quy định tại các khoản 3 và 4 Điều 168 BLHS là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

  Kết luận người từ đủ 14 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cướp tài sản” (không phân biệt phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 168 BLHS).

  Trách nhiệm hình sự đối với người chưa đủ 18 tuổi phải tuân thủ quy định tại các điều 90 và 91 BLHS.

9.1.4. Xác định một số tình tiết định khung hình phạt

VBQPPL

- BLHS (Điều 168)

- Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

- Nghị định số 79/2018/NĐ-CP

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  “Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”

-  “Vũ khí” là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

“Vũ khí quân dụng” là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm các loại quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;

-  “Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công;

-  “Thủ đoạn nguy hiểm” là ngoài các trường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện việc cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác như dùng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi môtô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản, v.v…

  Thẩm phán cần phải xem xét mức độ thương tật của bị hại để áp dụng điều luật cho đúng. Trường hợp phạm tội mà gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% thì áp dụng điểm c khoản 2 Điều 168 BLHS; nếu tỷ lệ từ 31% đến 60% thì áp dụng điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS và tỷ lệ từ 61% trở lên đối với 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên thì áp dụng điểm b khoản 4 Điều 168 BLHS; nếu làm chết người thì áp dụng điểm c khoản 4 Điều 168 BLHS.

  Lưu ý: Tỷ lệ tổn thương cơ thể phải căn cứ vào kết quả giám định của cơ quan chuyên môn. Nếu không có bản kết luận giám định của cơ quan chuyên môn thì không xác định được tỷ lệ tổn thương cơ thể; do đó, không được áp dụng các tình tiết định khung hình phạt trên đây.

  “Giá trị tài sản bị cướp”

-  Cần xác định đúng giá trị tài sản bị cướp để áp dụng đúng khung hình phạt;

-  Để xác định đúng giá trị tài sản bị cướp cần tham khảo hướng dẫn tại Phần II Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP. Tuy nhiên, trường hợp người phạm tội cho rằng bị hại khai giá trị như vậy là không đúng thực tế, tức là có tranh chấp về giá trị tài sản thì phải xác định giá trị tài sản như sau:

+  Giá trị tài sản bị cướp được xác định theo giá thị trường của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm tài sản bị chiếm đoạt;

+  Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi phạm tội có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xác định tội phạm. Ví dụ: A thấy một người vừa nhận 100.000.000 đồng từ kho bạc bỏ vào túi liền đi theo và lợi dụng lúc vắng người đã dùng vũ lực cướp tiền thì bị bắt giữ. Tuy nhiên, khi cướp được túi đựng tiền thì chỉ có 200.000 đồng, do 100.000.000 đồng người nhận tiền đã cất vào chỗ khác. Mặc dù số tiền cướp được chỉ có 200.000 đồng, song trong trường hợp này, A phải bị truy tố, xét xử theo điểm đ khoản 2 Điều 168 BLHS vì tài sản A có ý định chiếm đoạt là 100.000.000 đồng;

+  Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi phạm tội có ý định cướp tài sản, nhưng không quan tâm đến giá trị tài sản, chiếm đoạt bất kỳ tài sản gì, được bao nhiêu cũng lấy, thì lấy giá thị trường của tài sản bị chiếm đoạt tại địa phương vào thời điểm xảy ra tội phạm để xác định trách nhiệm hình sự;

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét