【PHẦN THỨ SÁU - BẮT GIỮ TÀU BIỂN】7.2. Thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài bắt giữ tàu biển

7.2. Thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài bắt giữ tàu biển

VBQPPL:

- BLTTDS

- Luật Tương trợ tư pháp

- Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển (các điều từ Điều 59 đến Điều 70)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Việc tương trợ tư pháp về việc bắt giữ tàu biển giữa Tòa án Việt Nam và Tòa án nước ngoài được thực hiện trên các nguyên tắc đã được quy định trong Luật Tương trợ tư pháp, BLTTDS và Điều 59 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển.

  Tòa án Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài về việc bắt giữ tàu biển theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.

  Tòa án Việt Nam không chấp nhận thực hiện việc ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài về việc bắt giữ tàu biển trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 60 của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển.

  Việc Tòa án nước ngoài ủy thác tư pháp cho Tòa án Việt Nam về việc bắt giữ tàu biển phải được lập thành văn bản và gửi đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo quy định của pháp luật Việt Nam.

  Văn bản ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển có các nội dung quy định tại Điều 62 của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển. 

  Ngay sau khi nhận được văn bản ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển và các tài liệu, chứng cứ kèm theo do Bộ Tư pháp Việt Nam chuyển đến, trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được văn bản ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, Thẩm phán phải xem xét và ra một trong các quyết định sau đây:

-  Thụ lý văn bản ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển nếu xét thấy bảo đảm nguyên tắc tương trợ tư pháp và nguyên tắc thực hiện ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển;

-  Trả lại văn bản ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển nếu xét thấy vi phạm nguyên tắc tương trợ tư pháp hoặc nguyên tắc thực hiện ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển hoặc việc giải quyết văn bản ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển không thuộc thẩm quyền của Tòa án đó. Tòa án phải gửi ngay quyết định trả lại văn bản ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển cùng văn bản ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Bộ Tư pháp Việt Nam để thông báo cho Tòa án nước ngoài biết.

  Thẩm phán chỉ ra quyết định bắt giữ tàu biển theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài sau khi người yêu cầu bắt giữ tàu biển đã xuất trình biên lai, chứng từ chứng minh họ đã thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển và đã nộp lệ phí bắt giữ tàu biển quy định tại Điều 6 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

  Quyết định bắt giữ tàu biển theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài phải có các nội dung quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 65 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển.

  Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm thuyền trưởng, VKS cùng cấp nhận được quyết định của Tòa án; thuyền trưởng, chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu có quyền khiếu nại, VKS cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án về quyết định bắt giữ tàu biển theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài.

  Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được văn bản khiếu nại, kiến nghị, Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết và ra một trong các quyết định sau đây:

-  Giữ nguyên quyết định bắt giữ tàu biển theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài;

-  Hủy quyết định bắt giữ tàu biển theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài.

  Tàu biển đang bị bắt giữ theo ủy thác tư pháp sẽ được thả ngay khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 67 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển.

  Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 67 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, Tòa án nước ngoài phải có văn bản yêu cầu thả tàu biển. Văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ theo ủy thác tư pháp có các nội dung quy định tại Điều 68 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển.

  Tòa án nước ngoài gửi văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ theo ủy thác tư pháp và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Bộ Tư pháp Việt Nam để Bộ Tư pháp chuyển cho Tòa án đã ra quyết định bắt giữ tàu biển đó.

  Ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ theo ủy thác tư pháp, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán giải quyết việc thả tàu biển đang bị bắt giữ theo ủy thác tư pháp.

  Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ theo ủy thác tư pháp và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ nếu xét thấy có căn cứ. Trường hợp không chấp nhận vì không có căn cứ thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ biết, trong đó nêu rõ lý do của việc không chấp nhận yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ theo ủy thác tư pháp.

  Quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ theo ủy thác tư pháp phải có các nội dung quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 70 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển.

  Lưu ý: Khi quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ, Thẩm phán phải xem xét biện pháp bảo đảm tài chính để ra một trong các quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét