【PHẦN THỨ SÁU - BẮT GIỮ TÀU BIỂN】6.2. Xem xét, quyết định việc bắt giữ tàu biển

6.2. Xem xét, quyết định việc bắt giữ tàu biển

VBQPPL:

- Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển (các điều 5, 6, 9, 44, 50, 51)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu, Thẩm phán được phân công giải quyết đơn, căn cứ đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ để xác định, xem xét yêu cầu có thuộc một trong các trường hợp bắt giữ tàu biển quy định tại Điều 44 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển hay không.

  Nếu xét thấy đơn yêu cầu đủ điều kiện theo quy định thì Thẩm phán thông báo để người yêu cầu bắt giữ tàu biển thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính (trừ trường hợp không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính) và nộp lệ phí bắt giữ tàu biển (Điều 5, Điều 6 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển).

  Khi người yêu cầu bắt giữ tàu biển xuất trình các biên lai, chứng từ chứng minh họ đã thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính, lệ phí cho yêu cầu bắt giữ tàu biển, xét thấy yêu cầu thuộc trường hợp được quyết định bắt giữ tàu biển, Thẩm phán phải ban hành ngay quyết định bắt giữ theo quy định tại Điều 50 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển. Quyết định bắt giữ tàu biển có hiệu lực thi hành ngay, kể cả trong trường hợp có khiếu nại, kiến nghị.

  Tòa án phải giao hai bản quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án cho Giám đốc Cảng vụ để thi hành theo quy định tại Điều 9 Pháp lệnh này; gửi ngay quyết định đó cho VKS cùng cấp; cấp hoặc gửi ngay quyết định đó cho người yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án, cơ quan THADS có thẩm quyền; gửi ngay quyết định đó cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam trong trường hợp tàu biển bị bắt giữ có yếu tố nước ngoài.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét