6.1.1. Tính chất của GĐT
GĐT là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 254)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• GĐT là thủ tục đặc biệt, chỉ được tiến hành khi có kháng nghị GĐT. Đối tượng của việc kháng nghị GĐT là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. GĐT không phải là cấp xét xử thứ 3 sau sơ thẩm và phúc thẩm.
• Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục GĐT (Điều 255 Luật TTHC) bao gồm:
- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
- Có sai lầm trong
việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng gây thiệt
hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích công cộng, lợi ích của
Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
6.1.2. Kháng nghị GĐT
6.1.2.1. Thẩm quyền kháng nghị
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 260)
- Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Người có quyền kháng nghị GĐT (Điều 260 Luật TTHC):
- Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao; những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
- Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
6.1.2.2. Điều kiện và thời hạn kháng nghị
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 255, 256 và 263)
- Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Thời hạn kháng nghị GĐT (Điều 263 Luật TTHC): Thời hạn kháng nghị là 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Thời hạn kháng nghị phần dân sự trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
• Điều kiện để Tòa án xem xét kháng nghị khi phát hiện có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 255 Luật TTHC thì:
- Người đề nghị có đơn trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật; đơn của người đề nghị lập thành văn bản theo quy định tại Điều 257 và Điều 258 Luật TTHC (trừ trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần thiết phải có đơn đề nghị);
- Tòa án, VKS hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thông báo bằng văn bản cho những người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 260 Luật TTHC;
- Chánh án Tòa án cấp tỉnh kiến nghị với Chánh án TAND cấp cao hoặc Chánh án TANDTC, Chánh án TAND cấp cao kiến nghị Chánh án TANDTC xem xét kháng nghị theo thủ tục GĐT bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
• Quyết định kháng nghị của Chánh án TANDTC được làm theo mẫu số 52-HC, của Chánh án TAND cấp cao được làm theo mẫu số 53-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP.
• Thủ tục nhận và xem xét đơn đề nghị, thông báo, kiến nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục GĐT được thực hiện theo Điều 258 Luật TTHC.
6.1.2.3. Bổ sung, xác minh tài liệu, chứng cứ và thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều từ Điều 259 đến Điều 265)
- Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Đương sự được quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc những tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.
• Tòa án xem xét giải quyết đơn đề nghị GĐT có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết.
• Người đã kháng nghị GĐT có quyền thay đổi, bổ sung quyết định kháng nghị, nếu chưa hết thời hạn kháng nghị quy định tại Điều 263Luật TTHC 2015.
• Người kháng nghị có quyền rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa.
- Việc rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải được lập thành văn bản và được gửi theo quy định tại Điều 264 Luật TTHC;
- Việc rút kháng nghị tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và HĐXX GĐT ra quyết định đình chỉ xét xử GĐT.
6.1.2.4. Gửi quyết định kháng nghị
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 264)
- Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Quyết định kháng nghị GĐT phải được gửi ngay cho Tòa án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, đương sự, cơ quan THADS có thẩm quyền và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị.
• Quyết định kháng nghị của Chánh án TANDTC hoặc Chánh án TAND cấp cao phải được gửi ngay cho VKS cùng cấp cùng hồ sơ vụ án ngay sau khi ban hành.
• Quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC hoặc Viện trưởng VKSND cấp cao phải được gửi ngay cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
• Chánh án TANDTC kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác theo quy định tại khoản 1 Điều 260 Luật TTHC 2015 thì có quyền giao cho TAND cấp cao xét xử theo thủ tục GĐT.
6.1.2.5. Hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 261)
- Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền:
- Hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục GĐT trong thời hạn không quá 03 tháng.
- Yêu cầu cơ quan THADS hoãn thi hành án phần dân sự trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án theo quy định của pháp luật về THADS.
• Người đã kháng nghị theo thủ tục GĐT bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản
án, quyết định đó cho đến khi có quyết định GĐT.
6.1.3. Thẩm quyền GĐT
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 264, 266, 267, 268 và 269)
- Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC (các điều 5, 6 và 7)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao GĐT bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị với thành phần HĐXX:
- 03 Thẩm phán đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục GĐT;
- Toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao xét xử GĐT đối với bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao xét xử GĐT bằng HĐXX gồm 03 Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
• Hội đồng Thẩm phán TANDTC GĐT bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao bị kháng nghị với thành phần HĐXX:
- 05 Thẩm phán đối với bản án, quyết định của TAND cấp cao bị kháng nghị theo thủ tục GĐT;
- Toàn thể Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử GĐT đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử GĐT bằng HĐXX gồm 05 Thẩm phán nhưng không đạt được sự thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
• Những vụ án phức tạp quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 260 Luật TTHC là những vụ án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Quy định của pháp luật về vấn đề cần giải quyết trong vụ án chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất;
- Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật có nhiều ý kiến khác nhau;
- Việc giải quyết vụ án liên quan đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
• Việc tổ chức xét xử GĐT ở cấp nào do Chánh án TAND cấp đó xem xét, quyết định.
• Trường hợp những bản án, quyết định đã có hiệu
lực pháp luật về cùng một vụ án hành chính cùng thuộc thẩm quyền GĐT của TAND cấp
cao và TANDTC thì TANDTC có thẩm quyền GĐT toàn bộ vụ án.
6.1.4. Chuẩn bị xét xử GĐT
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 267, 268, và 269)
- Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC
• Thời hạn mở phiên tòa GĐT là 60 ngày kể từ ngày Tòa án có thẩm quyền GĐT nhận được kháng nghị kèm hồ sơ vụ án (Điều 268 Luật TTHC).
• Chuẩn bị phiên tòa GĐT (Điều 269 Luật TTHC):
- Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên tòa. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình phải được gửi cho các thành viên HĐXX GĐT chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa GĐT;
- Thẩm phán được phân công phải nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị các tài liệu và các văn bản pháp luật. Chất lượng của việc xét xử GĐT phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị bản thuyết trình của Thẩm phán.
• Thẩm phán cần nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án bị kháng nghị, sau đó đối chiếu với những vấn đề kháng nghị nêu ra để đưa ra phương án xử lý:
- Kết luận của bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Nếu điều này xảy ra thì có nghĩa là bản án, quyết định của Toà án không có căn cứ;
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Việc xét xử bị coi là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nếu việc xét xử không tuân thủ đầy đủ các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật;
- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Toà án phải vận dụng đúng pháp luật điều chỉnh loại tranh chấp đó để giải quyết vụ án. Thẩm phán cần nghiên cứu kỹ, đối chiếu giữa căn cứ kháng nghị, phần của bản án, quyết định bị kháng nghị và văn bản pháp luật liên quan.
• Lưu ý: Đối với những vụ án phức tạp và những
vụ án đã bị kháng nghị nhiều lần, bản thuyết trình của Thẩm phán cũng cần thể
hiện đầy đủ các thông tin này.
6.1.5. Thủ tục phiên tòa GĐT
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 266, 270, 295, 301, 302 và 303)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
- Thủ tục phiên tòa GĐT (Điều 270 Luật TTHC):
- Phiên toà GĐT có Hội đồng GĐT và có đại diện VKS cùng cấp;
- Tại phiên toà GĐT của Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao hoặc Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì Chánh án làm Chủ toạ phiên toà, Thư ký Tòa án ghi Biên bản phiên tòa;
- Những người tham gia tố tụng có thể được triệu tập tham gia phiên tòa GĐT nếu xét thấy cần thiết. Tham gia phiên tòa còn có những "người khác" được Tòa án triệu tập. "Người khác" có thể không phải là đương sự trong vụ án nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc xét nội dung kháng nghị;
- Sau khi chủ toạ khai mạc phiên toà, một thành viên của Hội đồng GĐT trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình xét xử vụ án, quyết định của bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị, căn cứ, nhận định của kháng nghị và đề nghị của người kháng nghị;
- Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS về quyết định kháng nghị;
- Khi người tham gia tố tụng hoặc người khác được triệu tập đến phiên tòa GĐT thì những người này được trình bày ý kiến của mình về những vấn đề mà Hội đồng GĐT yêu cầu.
• Hội đồng GĐT tiến hành thảo luận và đưa ra ý kiến của mình về hướng giải quyết. Các thành viên phải thảo luận về từng điểm trong kháng nghị, trình bày rõ lý do để lý giải cho những quan điểm của mình.
• Đại diện VKS phát biểu quan điểm của mình về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
• Hội đồng GĐT nghị án, biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố nội dung quyết định về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa. Việc nghị án phải được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 191 Luật TTHC.
• Quyết định của Hội đồng GĐT:
- Đối với Hội đồng 03 thành viên của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao và Hội đồng 05 thành viên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải được tất cả các thành viên tham gia biểu quyết tán thành;
- Đối với Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao và Hội đồng toàn thể Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia và phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
• Những người là đương sự hoặc không phải là người thuộc bộ phận giúp việc cho người kháng nghị hoặc cho Hội đồng GĐT thì chỉ được tham gia phát biểu tại phiên tòa trong giai đoạn khai mạc phiên tòa và khi Hội đồng GĐT xem xét chứng cứ tại phiên tòa.
• Hội đồng GĐT biểu quyết về việc giải quyết vụ án theo khoản 4 Điều 270 Luật TTHC.
- Hội đồng GĐT trước hết phải biểu quyết: Chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị;
- Hội đồng GĐT sau đó biểu quyết:
+ Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (toàn bộ hay một phần).
+ Huỷ về quyết định nào thì phải nói rõ huỷ quyết định đó của bản án, quyết định.
+ Huỷ bản án giao về Toà án địa phương xét xử lại
từ giai đoạn sơ thẩm, hay từ giai đoạn phúc thẩm.
6.1.6. Phạm vi GĐT
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 271)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Hội đồng GĐT chỉ xem xét phần quyết định của bản án, quyết định bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị.
• Chỉ được xem xét lại phần quyết định của bản
án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị khi phần quyết định
đó xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hoặc xâm phạm lợi ích của người thứ ba
không phải là đương sự trong vụ án.
6.1.7. Thẩm quyền của Hội đồng GĐT, quyết định GĐT
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 272, 273, 274, 275 và 276 )
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Hội đồng GĐT có những quyền hạn sau (Điều 272 Luật TTHC):
- Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu xét thấy kháng nghị không có căn cứ;
- Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa (Điều 273 Luật TTHC);
- Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại (Điều 274 Luật TTHC) trong trường hợp:
+ Việc thu thập chứng cứ và việc chứng minh chưa thực hiện đầy đủ hoặc không đúng quy định của Luật TTHC;
+ Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
+ Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật;
+ Thành phần HĐXX sơ thẩm hoặc HĐXX phúc thẩm không đúng quy định của Luật TTHC; hoặc
+ Có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.
- Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết vụ án và đình chỉ việc giải quyết vụ án (Điều 275 Luật TTHC);
- Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây (Điều 276 Luật TTHC):
+ Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án;
+ Việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
- Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã thi hành được một phần hoặc toàn bộ thì Hội đồng GĐT phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án.
• Quyết định GĐT của Hội đồng Thẩm phán TANDTC làm theo mẫu số 54-HC; của Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao làm theo mẫu số 55-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP.
• Lưu ý:
- Nếu quyết định giao Tòa án cấp phúc thẩm xét xử phúc thẩm lại thì chỉ tuyên bố hủy bản án hay quyết định phúc thẩm bị kháng nghị; nếu giao xét xử sơ thẩm lại thì phải hủy cả bản án, quyết định phúc thẩm bị kháng nghị và cả bản án, quyết định sơ thẩm;
- Quyết định GĐT cũng phải quyết định rõ Tòa án nào được giao xét xử sơ thẩm hay phúc thẩm lại. Tòa án được giao giải quyết lại vụ án không được chuyển cho Tòa án khác giải quyết nếu không có những căn cứ mới;
- Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án. Quyền hạn này được quy định cụ thể tại Điều 275 Luật TTHC và dẫn chiếu đến các căn cứ quy định tại Điều 143 Luật TTHC;
- Việc gửi quyết định GĐT phải tuân theo quy định tại Điều 279 Luật TTHC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét