VBQPPL:
- BLHS (các Điều 3, 36, 40, 51, 67 và 68)
- BLTTHS (các điều 9, 85, 119, 194 và 367 BLTTHS)
- Luật THAHS
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Ngoài việc phải tuân thủ các quy định của BLTTHS và BLHS
thì khi xét xử vụ án hình sự và nếu bị can, bị cáo là phụ nữ cần phải chú ý thực
hiện một số công việc chính sau đây:
• Cần nắm vững
nguyên tắc chung là tố tụng hình sự tiến hành theo nguyên tắc mọi công dân đều
bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn
giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý
theo pháp luật (Điều 9 BLTTHS ).
• Cần nắm vững
nguyên tắc xử lý quy định tại Điều 3 BLHS. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước
pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần,
địa vị xã hội.
5.1.2. Bảo đảm đúng thủ tục tố tụng chung và những đặc điểm riêng của bị can, bị cáo là phụ nữ
• Khi xét xử vụ án
hình sự, Toà án phải chứng minh đầy đủ những vấn đề quy định tại Điều 85 BLTTHS
. Tuy nhiên, khi bị can, bị cáo là phụ nữ, ngoài việc chứng minh những tình tiết
tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nói chung thì việc chứng minh những đặc
điểm về nhân thân, hoàn cảnh của bị can, bị cáo là phụ nữ nói riêng cần đặc biệt
chú ý. Ví dụ: cần chứng minh làm rõ hoàn cảnh của bị can, bị cáo, tình trạng sức
khoẻ của bị can, bị cáo (có thai hay không có thai); đang nuôi con dưới 36
tháng tuổi hay không v.v...
• Khi áp dụng biện
pháp ngăn chặn là bắt bị can, bị cáo là phụ nữ để tạm giam cần tuân thủ các quy
định của pháp luật về điều kiện, căn cứ để ra quyết định đúng pháp luật. Đối với
bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà có
nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không áp dụng biện pháp tạm giam mà áp dụng
biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:
- Bị can, bị cáo bỏ
trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
- Bị can, bị cáo tiếp
tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
- Bị can, bị cáo có
hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp
tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu
tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị
hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này;
- Bị can, bị cáo phạm
tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đầy đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối
với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia (khoản 4 Điều 119 BLTTHS ).
• Cần kiểm tra việc
khám xét người của CQĐT có tuân thủ các quy định tại Điều 194 BLTTHS hay không,
đặc biệt là quy định: “Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và
có người khác cùng giới chứng kiến. Việc khám xét không được xâm phạm đến tính
mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét” (khoản 2 Điều
194 BLTTHS ).
• Cần phải kiểm tra
việc xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra có thực hiện đúng quy
định tại Điều 203 và Điều 204 BLTTHS hay không.
- Việc xem xét thân
thể phải do người cùng giới tiến hành và phải có người cùng giới chứng kiến.
Trong trường hợp cần thiết thì có bác sỹ tham gia;
- Không được xúc phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xem xét dấu vết trên thân thể, của người tham gia việc thực nghiệm điều tra.
5.1.3. Phải nắm chắc và thực hiện đúng các quy định của BLTTHS và BLHS về đường lối xử lý bị cáo là phụ nữ
• Không áp dụng hình
phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi
khi phạm tội hoặc khi bị xét xử (Điều 40 BLHS ).
• Phụ nữ có thai phạm
tội là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (điểm n khoản 1 Điều 51
BLHS).
• BLHS không quy định
cụ thể, nhưng khi xét xử bị cáo là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đang nuôi con
dưới 36 tháng tuổi cũng có thể coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trong trường hợp này chỉ được áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS và phải
ghi rõ trong bản án.
• Người mẹ nào do ảnh
hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà
giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết chỉ bị xét
xử về tội “Giết con mới đẻ” (Điều 124 BLHS ).
• Không thi hành án
tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong
trường hợp này hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân (Điều 40 BLHS ).
• Trước khi thi hành
án tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ, thì Hội đồng thi hành án ngoài việc
kiểm tra căn cước, phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi
hành bản án tử hình được quy định tại Điều 40 BLHS (khoản 1 Điều 367 BLTTHS ,
Luật THAHS).
• Phụ nữ có thai hoặc
đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến
khi con đủ 36 tháng tuổi (điểm b khoản 1 Điều 67 BLHS ).
• Cần lưu ý: Không
phải khi phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi là đương nhiên được
hoãn chấp hành hình phạt tù, mà chỉ là “CÓ THỂ”. Về nguyên tắc chung thì khi họ
bị kết án phạt tù lần thứ nhất mà họ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng
tuổi thì không phân biệt họ bị kết án về tội gì, hình phạt nặng hay nhẹ đều có
thể cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù. Trong trường hợp họ được hoãn chấp
hành hình phạt tù mà lại phạm tội mới hoặc có những hành vi chống đối việc chấp
hành hình phạt tù, thì Toà án cần ra quyết định bắt họ đi chấp hành hình phạt
tù.
• Khi người đang chấp hành hình phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 68 BLHS ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét