4.3.1. Phiên toà phúc thẩm
VBQPPL:
- Luật TTHC (từ Điều 167 đến Điều 174; các điều 134, 141, 222, 229; từ Điều 232 đến Điều 240 và Điều 243)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Thành phần HĐXX phúc thẩm gồm 03 Thẩm phán.
• Phiên toà phúc thẩm được khai mạc và bắt đầu như phiên toà sơ thẩm. Tại phiên toà phúc thẩm, HĐXX chỉ xem xét phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị; HĐXX phải xem xét ra một trong các quyết định tố tụng sau:
- Quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm;
- Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm;
- Quyết định hoãn hoặc vẫn tiếp tục phiên tòa phúc thẩm;
- Tạm ngừng phiên tòa;
- Ra bản án và các quyết định phúc thẩm.
• Trước khi bắt đầu thủ tục hỏi tại phiên toà phúc thẩm, một thành viên HĐXX (thông thường là chủ toạ phiên toà) công bố nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo, kháng nghị.
• Hỏi người khởi kiện có rút đơn khởi kiện không; những người kháng cáo, kháng nghị có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị không; các đương sự có thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không.
• Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, VKS rút một phần kháng nghị thì Tòa án chấp nhận việc rút kháng cáo, kháng nghị. Trường hợp người kháng cáo, VKS bổ sung nội dung mới không thuộc phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu thì Tòa án không xem xét nội dung đó.
• Trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì xử lý theo quy định tại Điều 234 Luật TTHC; trường hợp người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện thì xử lý theo quy định tại Điều 235 Luật TTHC, cụ thể:
- Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì HĐXX phúc thẩm phải hỏi người bị kiện có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:
+ Người bị kiện không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện;
+ Đương sự đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. HĐXX phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp này, đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp HĐXX phúc thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (Quyết định đình chỉ theo mẫu số 41-HC) thì người khởi kiện có quyền khởi kiện lại vụ án theo thủ tục do Luật TTHC quy định nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.
• Người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện liên quan đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu thì HĐXX phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; trong quyết định của bản án phải ghi rõ cam kết của đương sự để bảo đảm thi hành án hành chính.
- Lưu ý: Mục 6 Phần V Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC: Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện đồng ý nên HĐXX đã quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 235 Luật TTHC. Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng các quy định về xử lý tiền án phí trong thủ tục xét xử sơ thẩm đối với trường hợp người bị kiện đồng ý hủy bỏ quyết định hành chính bị kiện tại phiên tòa sơ thẩm; cụ thể như sau:
+ Trường hợp bản án sơ thẩm quyết định người khởi kiện phải chịu án phí sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm quyết định sửa án sơ thẩm, buộc người bị kiện phải chịu án phí sơ thẩm và trả lại tiền án phí sơ thẩm cho người khởi kiện;
+ Trường hợp bản án sơ thẩm quyết định người bị kiện phải chịu án phí sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm tuyên giữ nguyên về phần án phí sơ thẩm theo bản án sơ thẩm.
• Trường hợp người bị kiện sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện mà việc sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, dừng, khắc phục hành vi hành chính đó liên quan đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và họ chưa được tham gia tố tụng tại cấp sơ thẩm thì:
- Nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút yêu cầu thì HĐXX phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp này cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo thủ tục chung;
- Nếu người khởi kiện không rút đơn khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không rút yêu cầu thì HĐXX phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại. Trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm phải đưa cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc sửa đổi, hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
• Khi các bên đương sự cũng như VKS vẫn giữ kháng cáo, kháng nghị, thì tiếp tục phiên toà theo quy định tại các điều 236, 237, 238, 239, 240 Luật TTHC.
4.3.2. Xem xét việc hoãn hoặc tiếp tục phiên toà phúc thẩm
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 223, 224, 225 và 232)
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Trong mọi trường hợp người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ vắng mặt lần thứ nhất thì phải hoãn phiên toà.
• Thẩm phán, Thư ký phiên tòa vắng mặt không có người thay thế thì phải hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 232 Luật TTHC.
• Kiểm sát viên được Viện trưởng VKS cùng cấp phân công tham gia phiên tòa trong trường hợp VKS kháng nghị nếu vắng mặt mà không có Kiểm sát viên thay thế thì phải hoãn phiên tòa theo Điều 224 Luật TTHC.
• Người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
- Nếu người kháng cáo mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm đối với bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt;
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ.
• Các trường hợp hoãn khác theo quy định tại Điều 232 Luật TTHC.
• Thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm (theo mẫu số 44-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP) được thực hiện theo quy định tại Điều 163 Luật TTHC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét