4.1.2. Giải quyết các đề nghị, thông báo, kiến nghị theo thủ tục GĐT

VBQPPL:

- BLTTDS (Điều 326)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục GĐT khi có một trong những căn cứ sau đây:

· Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Là thuộc một trong những trường hợp sau đây:

- Tòa án không xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được;

- Không căn cứ vào tài liệu, chứng cứ được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa dẫn đến kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự, có thể gây thiệt hại cho họ về vật chất, tinh thần.

· Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.

Thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Xác định không đúng hoặc không đầy đủ tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng;

- Nhập hoặc tách vụ án không đúng quy định tại Điều 42 BLTTDS làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền hoặc nghĩa vụ tố tụng của đương sự;

- Không cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng hoặc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng không đúng quy định cho đương sự, người tham gia tố tụng khác ảnh hưởng đến quyền được tham gia tố tụng của họ;

- Không có người phiên dịch trong trường hợp người tham gia tố tụng dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình hoặc người tham gia tố tụng khuyết tật nghe, nói;

- Không từ chối tiến hành, tham gia tố tụng hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong trường hợp quy định tại các điều 52, 53, 54, 60, khoản 2 Điều 80, khoản 2 Điều 82 BLTTDS;

- Việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của BLTTDS làm cho việc giải quyết vụ án thiếu căn cứ;

- Các vi phạm khác làm cho các đương sự không thể thực hiện đầy đủ quyền hoặc nghĩa vụ tố tụng dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ.

· Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

Là trường hợp Tòa án áp dụng không đúng quy định của pháp luật để giải quyết vụ án dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.

4.1.2.2. Phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục GĐT

VBQPPL:

- BLTTDS (điểm g khoản 1 Điều 47, Điều 327, Điều 328, Điều 3

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục GĐT.

- Đơn đề nghị lần đầu: Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

- Đơn đề nghị lần thứ hai: Phải có đủ 2 điều kiện:

+ Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 328 BLTTDS;

+ Sau khi hết thời hạn kháng nghị theo Điều 334 BLTTDS đương sự làm đơn đề nghị lần thứ 2.

· Tòa án, VKS hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị biết để xem xét giải quyết theo thủ tục GĐT trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

· Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TAND cấp cao kiến nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục GĐT bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có căn cứ kháng nghị.

4.1.2.3. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT

 

VBQPPL:

- BLTTDS (Điều 331)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC kháng nghị:

- Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao;

- Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định GĐT của HĐTP TANDTC.

· Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao kháng nghị:

- Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh;

- Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

4.1.2.4. Thủ tục nhận và thụ lý giải quyết đơn đề nghị, thông báo, kiến nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục GĐT tại Tòa án

VBQPPL:

- BLTTDS (Điều 328, Điều 329, Điều 330)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Hồ sơ đề nghị:

- Đơn đề nghị phải có đầy đủ những nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 328 BLTTDS;

- Kèm theo đơn đề nghị, người đề nghị phải gửi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

· Thủ tục gửi và nhận đề nghị:

- Đương sự nộp đơn đề nghị trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính;

- Tòa án nhận đơn đề nghị phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự;

 

- Ngày gửi đơn được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án hoặc ngày có dấu dịch vụ bưu chính nơi gửi.

· Thụ lý đề nghị:

- Tòa án chỉ thụ lý đề nghị khi có đủ các nội dung quy định tại Điều 328 BLTTDS;

- Trường hợp đơn đề nghị không có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 328 BLTTDS thì Tòa án yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án; hết thời hạn này mà người gửi đơn không sửa đổi, bổ sung thì Tòa án, VKS trả lại đơn đề nghị, nêu rõ lý do cho đương sự và ghi chú vào sổ nhận đơn.

4.1.2.5. Giải quyết đề nghị kháng nghị theo thủ tục GĐT

· Chánh án TAND cấp cao phân công Thẩm phán cao cấp của TAND cấp cao nghiên cứu đề nghị và hồ sơ vụ án, báo cáo Chánh án TAND cấp cao xem xét, quyết định kháng nghị.

· Chánh án TANDTC phân công Thẩm phán TANDTC nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo Chánh án TANDTC xem xét, quyết định kháng nghị.

· Các Vụ Giám đốc kiểm tra của TANDTC, các Phòng giám đốc kiểm tra của TAND cấp cao phân công Thẩm tra viên giúp Thẩm phán TANDTC hoặc Thẩm phán TAND cấp cao trong quá trình giải quyết đề nghị.

· Đương sự có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT theo những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 330 BLTTDS.

 

· Thẩm phán được phân công nghiên cứu đơn đề nghị có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ.

· Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Điều 332 BLTTDS.

· Thời hạn kháng nghị theo thủ tục GĐT:

- Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;

- Trường hợp sau 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm:

+ Đương sự đã có đơn đề nghị trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và sau 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị;

+ Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 của BLTTDS.

· Thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị GĐT:

- Người đã kháng nghị GĐT có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nếu chưa hết thời hạn kháng nghị;

- Người đã kháng nghị có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa GĐT. Việc rút kháng nghị phải được thực hiện bằng quyết định;

- Khi nhận được quyết định rút toàn bộ kháng nghị, Tòa án GĐT ra quyết định đình chỉ việc xét xử GĐT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét