4.1. Thủ tục tố tụng với người chưa thành niên phạm tội

4.1.1. Xác định luật áp dụng đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi

VBQPPL:

- BLTTHS (Chương XXVIII)

- BLHS (Điều 39, 40, Chương XII)

- Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP

- Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC

- Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH

- Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Khi xác định được người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi thì thủ tục tố tụng đối với họ phải tuân thủ các quy định tại Chương XXVIII BLTTHS. Nếu trong Chương XXVIII BLTTHS có quy định và trong các chương khác cũng có quy định về một vấn đề mà có xung đột nhau, thì áp dụng quy định tại Chương XXVIII BLTTHS. Nếu trong Chương XXVIII BLTTHS không có quy định về vấn đề đó nhưng trong các chương khác của BLTTHS có quy định về vấn đề đó thì được áp dụng quy định trong các chương khác của BLTTHS.

  Việc áp dụng các quy định của BLTTHS căn cứ vào tuổi của người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng vào thời điểm tiến hành tố tụng. Việc áp dụng các quy định của BLHS căn cứ vào tuổi của người dưới 18 tuổi vào thời điểm thực hiện tội phạm.

4.1.2. Nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 414)

- BLHS (Chương XII)

- Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP

- Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH

- Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Việc tiến hành tố tụng với người dưới 18 tuổi phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

  Nguyên tắc tiến hành tố tụng với người dưới 18 tuổi quy định tại Điều 414 BLTTHS . Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 phạm tội quy định tại Chương XII BLHS .

  Hướng dẫn nguyên tắc xử lý và thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi tại Điều 6 và Điều 7 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC.

4.1.3. Xác định chính xác tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 416, Điều 417)

- Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH (Điều 6)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi là một trong những vấn đề cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (khoản 1 Điều 416 BLTTHS ). Việc xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội có ý nghĩa hết sức quan trọng, xem người đó đã đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự hay chưa; nếu đã đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì khi phạm tội họ bao nhiêu tuổi và khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử họ đã đủ 18 tuổi hay chưa, để thực hiện đúng các quy định của BLHS đối với họ cũng như áp dụng đúng quy định của BLTTHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

  Cần phải dùng mọi biện pháp để xác định độ tuổi của họ. Thông thường, việc chứng minh độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại do CQĐT và VKS thực hiện; cho nên trong trường hợp tài liệu có trong hồ sơ vụ án chưa có đầy đủ căn cứ để xác định độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi thì trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

  Trong trường hợp CQĐT, VKS đã tiến hành mọi biện pháp cần thiết, nhưng không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh thì cần xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 417 BLTTHS và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH.

  Phải xem xét đến mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi; điều kiện sinh sống và giáo dục; có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi giục; nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội (Điều 416 BLTTHS ).

4.1.4. Bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi phạm tội

VBQPPL:

- BLTTHS (các điều 113, 111, 112, 117, 118, 119, 173 và 419)

- Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP

- Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần thiết theo đúng quy định tại Điều 419 BLTTHS .

  Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Thời hạn tạm giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại BLTTHS . Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

  Bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi phạm tội phải tuyệt đối tuân thủ quy định tại Điều 303 BLTTHS . Cần xác định đúng độ tuổi. Việc xem xét để kết luận người đó đã đủ 18 tuổi hay chưa được thực hiện như điểm 4.1.3 tiểu mục 4.1 mục 4 trên đây. Cần chú ý:

-  Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111, 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 và Điều 419 BLTTHS ;

-  Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111, 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 khoản 2 Điều 119 và Điều 419 BLTTHS .

  Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi phải thông báo cho người đại diện của họ biết.

4.1.5. Bảo đảm việc bào chữa cho người dưới 18 tuổi phạm tội

VBQPPL:

- BLTTHS (các điều 75, 76, 77 và 422)

- Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH (Điều 10)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Kiểm tra người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của họ có lựa chọn người bào chữa hay không. Nếu họ đã có lựa chọn người bào chữa thì giải thích cho họ biết trong trường hợp này theo quy định tại Điều 422 BLTTHS, Toà án sẽ không yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử người bào chữa cho bị can, bị cáo nữa. Nếu họ vẫn có yêu cầu cử người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc họ không lựa chọn được người bào chữa, thì Toà án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.

  Xử lý yêu cầu người bào chữa; lựa chọn người bào chữa; thay đổi hoặc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của họ cần thực hiện theo đúng quy định tại các điều 75, 76, 77 và 422 BLTTHS và hướng dẫn tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH.

  Thủ tục đăng ký bào chữa thực hiện theo quy định tại Điều 78 BLTTHS.

4.1.6. Xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội

VBQPPL:

- BLTTHS (các điều 415, 416, 420 và 423)

- Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC

- Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Thủ tục xét xử sơ thẩm, thủ tục xét xử phúc thẩm về nguyên tắc chung được thực hiện theo quy định tại Phần thứ tư của BLTTHS .

  Lưu ý:

-  Trong trường hợp người đại diện của người dưới 18 tuổi, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động hoặc sinh hoạt có tham gia phiên toà thì họ có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến, tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Toà án (khoản 3 Điều 420 BLTTHS );

-  Thành phần HĐXX phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi (khoản 1 Điều 423 BLTTHS ). Đối với Thẩm phán phải là người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của người dưới 18 tuổi (Điều 415 BLTTHS ). Phân công Thẩm phán, Hội thẩm thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC;

-  Không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Tòa án phải xét xử kín đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán; Tòa án cũng có thể xét xử kín đối với những vụ án khi có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi (Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC);

-  Tại phiên toà xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt, trừ trường hợp những người này vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan (khoản 3 Điều 423 BLTTHS );

-  Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi. Tuân thủ các quy định khác tại Chương XXVIII của BLTTHS ; hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP; Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét