4.1. Kiểm tra tính hợp lệ của kháng cáo, kháng nghị

4.1.1. Nhận đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị

VBQPPL:

- Luật TTHC (các điều 204, 205, 206, 207, 209, 211, 212, 213 và 214)

- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Cần xác định người có quyền kháng cáo; quyền kháng nghị của VKS; thời hạn kháng cáo, kháng nghị (Điều 204, Điều 211, Điều 206 và Điều 213 Luật TTHC).

  Đơn kháng cáo phải làm theo đúng quy định tại Điều 205 Luật TTHC và mẫu số 24-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP.

  Lưu ý:

-  Nếu người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức làm đơn kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải:

+  Ghi tên, địa chỉ của đương sự là cơ quan, tổ chức;

+  Ghi họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức; và

+  Tại phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổchức đó.

-  Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác đại diện cho cơ quan, tổ chức kháng cáo, thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi:

+  Họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền;

+  Tên, địa chỉ của đương sự;

+  Họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự theo như trong văn bản ủy quyền. Đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

-  Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo; trường hợp đơn kháng cáo gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết và gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm;

-  Trường hợp đơn kháng cáo chưa đúng quy định tại Điều 205 Luật TTHC thì Tòa án cấp sơ thẩm phải có Thông báo yêu cầu làm lại hoặc sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo (khoản 3 Điều 207 Luật TTHC). Thông báo phải làm theo mẫu số 26-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP.

  Tòa án trả lại đơn kháng cáo trong các trường hợp (khoản 4 Điều 207 Luật TTHC):

-  Người kháng cáo không có quyền kháng cáo;

-  Người kháng cáo không làm lại đơn kháng cáo hoặc không sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo mặc dù đã có yêu cầu của Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 207 Luật TTHC;

-  Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 209 Luật TTHC.

-  Lưu ý: (Mục 9 Phần V Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC):

+  Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận đơn kháng cáo, thực hiện các thủ tục kháng cáo và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp phúc thẩm;

+  Khi nhận hồ sơ, Tòa án cấp phúc thẩm xác định người có đơn kháng cáo không có quyền kháng cáo thì trong trường hợp này, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải căn cứ vào quy định tại Điều 217 Luật TTHC để thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Trong quá trình giải quyết, Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 229, điểm a khoản 4 Điều 207 Luật TTHC trả lại đơn kháng cáo và đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án. Trong quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải quyết định trả lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho người đã gửi đơn kháng cáo;

+  Thông báo trả lại đơn kháng cáo được lập theo mẫu số 28-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP.

  Trong trường hợp đơn kháng cáo đủ điều kiện thụ lý thì theo quy định tại Điều 210 Luật TTHC Tòa án thông báo về việc kháng cáo cho VKS cùng cấp và đương sự theo mẫu số 32-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP.

  Việc nhận đơn kháng cáo và xử lý đơn kháng cáo tại Tòa án cấp sơ thẩm phải theo đúng quy định tại Điều 207 Luật TTHC. Khi nhận đơn kháng cáo, Tòa án phải cấp Giấy xác nhận đã nhận đơn kháng cáo theo mẫu số 25-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐT. 

  Quyết định kháng nghị phải có đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 212 Luật TTHC và phải được gửi ngay cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho kháng nghị là có căn cứ.

  VKS đã ra quyết định kháng nghị có trách nhiệm thông báo cho đương sự có liên quan đến kháng nghị (Điều 214 Luật TTHC).

4.1.2. Xem xét việc kháng cáo, kháng nghị quá hạn

VBQPPL:

- Luật TTHC (các điều 206, 207, 208, 213)

- Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC

- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Khi nhận đơn kháng cáo quá thời hạn, Tòa án cấp sơ thẩm ra Thông báo yêu cầu người kháng cáo tường trình cụ thể bằng văn bản về lý do kháng cáo quá hạn và xuất trình tài liệu, chứng cứ, nếu có, để chứng minh việc kháng cáo quá hạn là có lý do chính đáng (Thông báo được làm theo mẫu số 27-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP).

  Khi VKS kháng nghị quá thời hạn, Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu VKS có văn bản giải thích nêu rõ lý do.

  Sau khi nhận được bản giải trình về lý do kháng cáo quá hạn, kháng nghị quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo và các tài liệu trên cho Tòa án cấp phúc thẩm. Toà án cấp phúc thẩm phải căn cứ những quy định về thời hạn kháng cáo, những lý do được coi là trở ngại khách quan bất khả kháng để xem xét chấp nhận hay không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn (Điều 207, Điều 208 Luật TTHC).

  Tòa án cấp phúc thẩm gửi đơn kháng cáo quá hạn, bản tường trình của người kháng cáo về lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho VKS cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ, VKS phải trả lại cho Tòa án (khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC).

  Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án cấp sơ thẩm chuyển đến, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm 03 Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn có sự tham gia của Kiểm sát viên VKS cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp Kiểm sát viên, người kháng cáo quá hạn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

  Hội đồng xét kháng cáo quá hạn căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc kháng cáo quá hạn và ý kiến của VKS tại phiên họp, đương sự kháng cáo quá hạn để quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định.

  Quyết định về giải quyết đơn kháng cáo quá hạn phải gửi cho người kháng cáo, VKS cùng cấp và Toà án cấp sơ thẩm sau khi ban hành.

-  Nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì ra quyết định chấp nhận việc kháng cáo quá hạn (theo mẫu số 30-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP) yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo quá hạn biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, thông báo về việc kháng cáo và gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm;

-  Nếu không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì ra quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn (theo mẫu số 31-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP).

  Toà án cấp sơ thẩm căn cứ vào Điều 209 Luật TTHC để xem xét, quyết định việc chấp nhận hay không chấp nhận đơn kháng cáo, nếu người nộp đơn kháng cáo không nộp tạm ứng án phí phúc thẩm.

  Khi nhận quyết định kháng nghị quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải có văn bản yêu cầu VKS đã kháng nghị giải thích bằng văn bản nêu rõ lý do kháng nghị quá hạn (Điều 208, Điều 213 Luật TTHC).

4.1.3. Thụ lý hồ sơ để xét xử phúc thẩm

VBQPPL:

- Luật TTHC (Điều 217 và Điều 231)

- Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC

- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP

Công việc chính và kỹ năng thực hiện: 

  Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Toà án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý. Việc thụ lý phải được thông báo bằng văn bản (theo mẫu số 35-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP) cho các đương sự, VKS cùng cấp và thông báo trên cổng thông tin điện tử của Toà án (nếu có). 

  Chánh án Toà án cấp phúc thẩm hoặc Chánh toà Toà hành chính TAND cấp cao thành lập HĐXX phúc thẩm và phân công một Thẩm phán Chủ toạ phiên toà.

  Trường hợp VKS cùng cấp tham gia phiên tòa phúc thẩm thì Toà án cấp phúc thẩm gửi hồ sơ vụ án cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm cho VKS cùng cấp theo Điều 231 Luật TTHC và hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 5 Điều 4 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC.

  Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, VKS phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 231 Luật TTHC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét