3.5.1. Quy định chung về phiên tòa sơ thẩm
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều từ Điều 148 đến Điều 167)
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
- Nghị quyết số 33/2021/QH15
- Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP (khoản 2 Điều 4, khoản 1 Điều 5, Điều 10)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.
• Thời hạn mở phiên tòa là 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
• HĐXX sơ thẩm gồm một Thẩm phán và 02 Hội thẩm (trừ trường hợp vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn do 01 Thẩm phán tiến hành). HĐXX sơ thẩm có thể gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm trong trường hợp khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh liên quan đến nhiều đối tượng hoặc vụ án phức tạp.
• Đối với phiên tòa trực tuyến, xem tiểu mục 1.3.1 mục 1 Phần thứ hai Sổ tay Thẩm phán.
• Biên bản phiên tòa phải ghi đầy đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 166 Luật TTHC. Sau khi kết thúc phiên tòa, Thư ký Tòa án phải tự mình kiểm tra lại biên bản phiên tòa để sửa chữa những điểm không chính xác. Chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản phiên tòa (mẫu số 20-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP).
• Đối với phiên tòa trực tuyến, biên bản phiên tòa tuân thủ biểu mẫu theo quy định của pháp luật tố tụng. Ghi rõ phiên tòa diễn ra tại các điểm cầu nào; ghi rõ họ, tên Kiểm sát viên, công chức Tòa án tại điểm cầu thành phần.
• Trường hợp có người tham gia tố tụng đề nghị
được xem biên bản phiên tòa thì Thư ký phiên tòa trình chiếu biên bản phiên tòa
cho người đề nghị và thực hiện các thủ tục khác có liên quan (nếu có) theo quy
định của pháp luật về tố tụng.
3.5.2. Thủ tục bắt đầu phiên tòa
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 153, 169)
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
- Nghị quyết số 33/2021/QH15
- Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP (Điều 13 và Điều 14)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Trước khi khai mạc phiên tòa, Thư ký Tòa án phổ biến nội quy phiên tòa, kiểm tra sự có mặt của những người được triệu tập tham gia phiên tòa, nếu có người vắng mặt thì phải làm rõ lý do (Điều 169 Luật TTHC).
• Sau khi phổ biến nội quy phiên tòa, Thư ký mời HĐXX vào làm việc; yêu cầu mọi người trong phòng đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án (khoản 8 Điều 153 Luật TTHC).
• Chủ tọa phiên tòa yêu cầu mọi người đứng dậy, tuyên bố khai mạc phiên tòa và đọc Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
• Sau khi nghe Thư ký Tòa án báo cáo sự có mặt và lý do vắng mặt của những người tham gia phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa kiểm tra căn cước của các đương sự, phổ biến quyền và nghĩa vụ của họ và những người tham gia tố tụng khác (theo quy định tại các điều tương ứng tại Chương IV Luật TTHC).
• Chủ tọa phiên tòa giới thiệu họ, tên thành viên HĐXX, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch; hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không; hỏi những người có quyền về người giám định có vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật TTHC không:
- Giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch;
- Xem xét, quyết định việc hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt;
- Xem xét quyết định áp dụng những biện pháp cần thiết để những người làm chứng, đương sự không nghe được lời khai của nhau và tiếp xúc với những người có liên quan.
• Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng (trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên) phải cam kết khai báo đúng sự thật, người giám định, người phiên dịch cam kết cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần phiên dịch; nếu sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
• Đối với phiên tòa trực tuyến, xem tiểu mục 1.3.2 mục 1 Phần thứ hai Sổ tay Thẩm phán.
3.5.2.2. Sự có mặt của người tiến hành tố tụng
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 155 và Điều 156)
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên HĐXX và Thư ký phiên tòa.
• Thẩm phán, Hội thẩm vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án, nếu không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thay thế thì phải hoãn phiên tòa.
• Thư ký phiên tòa vắng mặt hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa mà không có người thay thế thì phải hoãn phiên tòa.
• Kiểm sát viên được Viện trưởng VKS cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, nếu vắng mặt thì HĐXX vẫn tiến hành xét xử.
• Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi tại phiên tòa hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa xét xử, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết thì người này được tham gia phiên tòa xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu.
3.5.2.3. Sự có mặt của người tham gia tố tụng
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 157, 158, 159, 160, 161 và 168)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Trường hợp phiên tòa được tiến hành với sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì cần phải thực hiện đúng quy định tại Điều 157 Luật TTHC.
• Xét xử trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa được tiến hành theo đúng quy định tại Điều 158 Luật TTHC.
• Xét xử trong trường hợp người làm chứng, người giám định, người phiên dịch vắng mặt thì căn cứ vào các điều 159, 160, 161 Luật TTHC.
• Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xét xử vắng mặt đương sự, người tham gia tố tụng khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật TTHC.
3.5.2.4. Giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 170)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• HĐXX căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định (Điều 63), người phiên dịch (các điều 45, 46, 47, 50, 51, 63, 64 Luật TTHC).
• Trường hợp có ý kiến về người giám định vi phạm một trong các quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật TTHC, HĐXX phải xem xét; nếu có căn cứ thì quyết định tiến hành giám định lại theo quy định của pháp luật.
3.5.2.5. Giải quyết yêu cầu thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 172, 173, 174)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Chủ tọa phiên tòa hỏi người khởi kiện về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu độc lập.
• HĐXX chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.
• Trường hợp đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì HĐXX chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu mà đương sự đã rút.
• Trường hợp người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành người khởi kiện.
3.5.2.6. Hoãn phiên tòa, tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 141, 143, 162, 163, 164 và 165)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Trong trường hợp HĐXX quyết định hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 162 Luật TTHC thì thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 163 Luật TTHC:
- Thời hạn hoãn phiên tòa không quá 30 ngày (vụ án theo thủ tục rút gọn là 15 ngày), kể từ ngày HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa;
- Quyết định hoãn phiên tòa do Chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX ký ban hành, Chủ tọa phiên tòa vắng mặt thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn;
- Quyết định hoãn phiên tòa phải có các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 163 Luật TTHC (mẫu số 18-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP);
- Quyết định hoãn phiên tòa được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng biết, được gửi cho đương sự vắng mặt và VKS cùng cấp;
- Sau khi hoãn phiên tòa, nếu không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian địa điểm ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án phải thông báo cho người tham gia tố tụng và VKS cùng cấp biết thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
• Tại phiên tòa, nếu có một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 141 Luật TTHC thì HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.
• Tại phiên tòa, nếu có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143 Luật TTHC thì HĐXX ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
• Trường hợp đương sự xuất trình quyết định hành chính mới mà quyết định hành chính đó liên quan đến quyết định bị khởi kiện và không thuộc thẩm quyền của Tòa án đang xét xử sơ thẩm vụ án thì HĐXX đình chỉ việc xét xử và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền.
3.5.2.7. Thủ tục xét xử vắng mặt người tham gia tố tụng
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 158)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xét xử vắng mặt đương sự, người tham gia tố tụng khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 158 Luật TTHC.
• Khi xét xử, Chủ tọa phiên tòa thực hiện các công việc:
- Công bố lý do đương sự vắng mặt hoặc đơn của đương sự đề nghị xét xử vắng mặt;
- Công bố tóm tắt nội dung vụ án và tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. HĐXX thảo luận về những vấn đề cần giải quyết trong vụ án;
- Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS;
- HĐXX tiến hành nghị án và tuyên án theo quy định của Luật TTHC
3.5.3. Tranh tụng tại phiên tòa
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 83, các điều từ Điều 175 đến Điều 186)
- Nghị quyết số 33/2021/QH15
- Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP (Điều 13)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Trước khi bắt đầu xét xử, cần tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, nếu các bên không thỏa thuận được thì bắt đầu việc xét hỏi.
• HĐXX xác định đầy đủ các tình tiết của vụ án bằng cách nghe ý kiến của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, đối chiếu các ý kiến này với tài liệu, chứng cứ thu thập được để giải quyết vụ án (Điều 176 Luật TTHC).
• Khi các đương sự không thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án thì Chủ tọa tóm tắt nội dung yêu cầu của đương sự, thông báo kết luận tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, những vấn đề cần tranh tụng, yêu cầu đương sự (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nếu có) trình bày về vấn đề chưa rõ, còn mâu thuẫn hoặc bổ sung ý kiến.
• Sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, việc hỏi từng người về từng vấn đề được thực hiện theo thứ tự: người khởi kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện hỏi trước, tiếp đến người bị kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện, sau đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người tham gia tố tụng khác, Chủ tọa phiên tòa rồi đến Hội thẩm, sau đó đến Kiểm sát viên (Điều 176 Luật TTHC).
• Hỏi người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không trực tiếp tham gia tố tụng mà uỷ quyền cho người khác tham gia tố tụng hoặc nhờ luật sư thì Toà án nghe ý kiến của người đại diện do đương sự uỷ quyền hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Khi hỏi người đại diện do đương sự uỷ quyền thì phải chú ý phạm vi được uỷ quyền theo quy định tại Điều 60 Luật TTHC (người đại diện do đương sự uỷ quyền chỉ được thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự trong phạm vi được uỷ quyền) (các điều 178, 179, 180 Luật TTHC).
• Hỏi người làm chứng (nếu có): Chủ tọa phiên tòa phải hỏi rõ về quan hệ giữa họ với các đương sự trong vụ án; nếu người làm chứng là người chưa thành niên thì Chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu cha, mẹ, người giám hộ hoặc thầy giáo, cô giáo giúp đỡ để hỏi. Việc hỏi người làm chứng phải tập trung vào làm rõ những tình tiết có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án, đặc biệt là những tình tiết chưa được thể hiện đầy đủ trong các tài liệu thu thập được (Điều 181 Luật TTHC).
• Hỏi người giám định (nếu có): Việc hỏi người giám định tập trung vào những nội dung chủ yếu được trình bày trong kết luận giám định, đặc biệt là những nội dung có thể dẫn đến những ý kiến đánh giá khác nhau (Điều 185 Luật TTHC).
• Trong khi nghe những người tham gia tố tụng trình bày ý kiến của mình về vụ việc đang được xem xét, HĐXX đồng thời đối chiếu các ý kiến này với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được. Những nội dung chưa rõ phải hỏi thêm. Những nội dung mà ý kiến các bên mâu thuẫn với nhau thì phải tổ chức đối chất để xác định sự thật. Việc hỏi phải tiến hành dứt điểm từng vấn đề, từng nội dung.
• Việc công bố tài liệu, nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình và xem xét vật chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 182, 183, 184 Luật TTHC.
• Đối với phiên tòa trực tuyến, trường hợp người tham gia tố tụng tại điểm cầu thành phần cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ thì thực hiện như sau:
- Người tham gia tố tụng tự sao chụp theo hình thức dữ liệu điện tử và gửi cho Hội đồng xét xử. Việc giao nộp chứng cứ, tài liệu thực hiện theo quy định tại Điều 83 Luật TTHC.
- Chủ tọa phiên tòa phải công bố (trừ trường hợp tài liệu, chứng cứ liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự), xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ này sau khi nhận được bản sao chụp tài liệu, chứng cứ.
• Trước khi kết thúc hỏi, Chủ tọa phiên toà hỏi
những người tham gia tố tụng xem họ có yêu cầu hỏi thêm hay không. Nếu có người
đề nghị hỏi thêm thì HĐXX xem xét, nếu không thì Chủ tọa phiên toà tuyên bố kết
thúc phần hỏi (Điều 186 Luật TTHC).
3.5.4. Tạm ngừng phiên tòa
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 187)
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
- Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Trong quá trình xét xử, HĐXX có quyền tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng;
- Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt;
- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa;
- Cần phải báo cáo với Chánh án Tòa án có thẩm quyền để đề nghị, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 111 Luật TTHC;
- Các bên đương sự đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để các bên đương sự tự đối thoại;
- Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại quy định tại khoản 4 Điều 185 Luật TTHC;
- Quyết định tạm ngừng phiên tòa được thực hiện theo mẫu số 19-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP.
• Lưu ý: (Mục 3 Phần I Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TANDTC): Trường hợp đương sự chứng minh được việc chậm giao nộp chứng cứ là có lý do chính đáng không thuộc trường hợp hoãn phiên tòa quy định tại Điều 162 Luật TTHC. Tuy nhiên, Luật TTHC quy định quyền tiếp cận chứng cứ để bảo đảm tranh tụng; do đó, trường hợp đương sự chứng minh được việc chậm giao nộp chứng cứ là có lý do chính đáng mà thuộc trường hợp quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 187 Luật TTHC thì HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa.
• Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa:
- Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa;
- HĐXX tiếp tục tiến hành phiên tòa, nếu lý do để tạm ngừng phiên tòa không còn;
- Hết thời hạn này, nếu lý do tạm ngừng phiên tòa chưa được khắc phục, HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án và thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và VKS cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa;
- Lưu ý: (Mục 9 Phần I Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC
ngày 19/9/2016 của TANDTC): Về nguyên tắc, trong thời gian tạm ngừng phiên tòa,
Thẩm phán có thể tham gia giải quyết các vụ việc khác vì Luật TTHC đã bỏ quy định
về nguyên tắc xét xử liên tục.
3.5.5. Thủ tục tranh luận tại phiên tòa
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 188, 189 và 190)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Những người có quyền tham gia tranh luận tại phiên toà gồm đương sự hoặc người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên toà.
• Trình tự tiến hành tranh luận được bắt đầu từ phía người khởi kiện hoặc đại diện của người khởi kiện. Nếu người khởi kiện có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì người này trình bày ý kiến trước, sau đó, người khởi kiện hoặc người đại diện trình bày ý kiến bổ sung. Tiếp đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của phía người khởi kiện (nếu có) trình bày ý kiến của mình.
• Sau khi những người tham gia tố tụng thuộc phía người khởi kiện đó trình bày xong thì phía người bị kiện đưa ra ý kiến tham gia tranh luận. Đầu tiên là người bị kiện hoặc đại diện của họ trình bày ý kiến; nếu có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì người này trình bày ý kiến trước, sau đó, người bị kiện hoặc đại diện người bị kiện bổ sung. Tiếp đến là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thuộc phía người bị kiện (nếu có) trình bày ý kiến của mình.
• Những người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của nhau. Chủ tọa phiên tòa không có quyền hạn chế thời gian tranh luận, không được phép cắt ý kiến tham gia tranh luận nếu ý kiến đó liên quan đến nội dung vụ án hay nói cách khác là ý kiến đó có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án.
• Kết thúc phần tranh luận, Chủ tọa phiên tòa đề nghị Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS về việc giải quyết vụ án.
• Sau khi Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS về việc giải quyết vụ án, HĐXX vào phòng nghị án để nghị án.
• Qua tranh luận, nếu xét thấy có tình tiết của
vụ án chưa được xem xét, việc xét hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ
thì HĐXX quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận (Điều 192 Luật TTHC).
3.5.6. Nghị án và tuyên án
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 191, 192, 194 và 195)
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
- Nghị quyết số 33/2021/QH15
- Thông tư liên tịch số 05/2021 (Điều 13)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Chỉ có các thành viên của HĐXX mới có quyền nghị án. Khi nghị án, các thành viên của HĐXX phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Hội thẩm biểu quyết trước, Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.
• Khi nghị án chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đó được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc hỏi tại phiên tòa và phải xem xét đầy đủ ý kiến của những người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên.
• Khi nghị án phải có biên bản ghi lại ý kiến được thảo luận và quyết định của HĐXX. Biên bản nghị án phải được các thành viên HĐXX ký tên tại phòng nghị án trước khi tuyên án. Biên bản nghị án làm theo mẫu số 21-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP.
• Qua nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xét hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì HĐXX quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận (Điều 192 Luật TTHC 2015).
• Ra bản án:
- Bản án phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 194 Luật TTHC 2015 (theo mẫu số 22-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP);
- Cơ cấu bản án gồm phần mở đầu, phần nội dung và phần quyết định;
- Trong phần mở đầu phải ghi rõ tên Tòa án xét xử sơ thẩm; số và ngày thụ lý vụ án; số bản án và ngày tuyên án; họ, tên của các thành viên HĐXX, Thư ký phiên tòa; Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch (nếu có); tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức khởi kiện; người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; đối tượng khởi kiện; số, ngày, tháng, năm của quyết định đưa vụ án ra xét xử; xét xử công khai hoặc xét xử kín; thời gian và địa điểm xét xử;
- Đối với phiên tòa xét xử trực tuyến thì trong phần mở đầu của bản án, quyết định của Tòa án phải ghi rõ phiên tòa diễn ra tại các điểm cầu nào; ghi rõ họ, tên Kiểm sát viên, công chức Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cán bộ tại điểm cầu thành phần.
- Phần nội dung của bản án hành chính bao gồm phần tóm tắt nội dung vụ án và phần nhận định của Tòa án:
+ Phần tóm tắt nội dung vụ án phải có các nội dung sau: số, ngày, tháng, năm ban hành và tóm tắt nội dung quyết định hành chính hay quyết định bị khiếu kiện hoặc tóm tắt diễn biến hành vi hành chính bị khiếu kiện; ngày, tháng, năm nhận được quyết định hành chính hoặc nhận biết có hành vi hành chính; ngày, tháng, năm khiếu nại đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính; ngày, tháng, năm nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật (nếu có) và tóm tắt nội dung quyết định giải quyết khiếu nại đó; ngày, tháng, năm khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền; tóm tắt các yêu cầu của người khởi kiện; tóm tắt ý kiến của người bị kiện; ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự (nếu có);
+ Trong phần nhận định của Tòa án phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; những tình tiết đó được chứng minh, những chứng cứ, căn cứ pháp luật (điểm, khoản và điều luật của văn bản quy phạm pháp luật) mà Tòa án căn cứ để giải quyết vụ án;
+ Trong phần quyết định phải ghi rõ các căn cứ pháp luật, quyết định của HĐXX về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về áp dụng BPKCTT, về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo đối với bản án; trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì phải ghi rõ quyết định đó.
- HĐXX xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khởi kiện, quyết định giải quyết khiếu nại và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và có thể có một hoặc một số quyết định sau đây (Điều 193 Luật TTHC 2015):
+ Bác yêu cầu của người khởi kiện, nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật;
+ Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật và quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc cơ quan nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; đồng thời kiến nghị cách thức xử lý đối với quyết định hành chính trái pháp luật đã bị hủy;
+ Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên bố hành vi hành chính là trái pháp luật; tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan (nếu có); buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật;
+ Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri theo quy định của pháp luật;
+ Buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra;
- Cùng với biên bản nghị án, bản án gốc phải được các thành viên HĐXX thông qua và ký tại phòng nghị án và được lưu vào hồ sơ vụ án. Trên cơ sở bản án gốc, Chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX ký các bản án chính.
• Tuyên án:
- Về nguyên tắc chung, khi tuyên án, mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy (trừ những người vì lý do sức khoẻ được Chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi tại chỗ). Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của HĐXX đọc bản án; nếu bản án dài thì có thể thay nhau đọc bản án;
- Trường hợp bản án quá dài, thì Chủ tọa phiên
tòa có thể chỉ yêu cầu mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi đọc phần mở
đầu và phần quyết định của bản án.
3.5.7. Những công việc cần làm sau khi kết thúc phiên tòa
VBQPPL:
- Luật TTHC 2015 (các điều 166, 196 và 197)
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Việc sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 197 Luật TTHC. Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án làm theo mẫu số 23-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP).
• Trường hợp Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng yêu cầu được xem biên bản phiên toà và yêu cầu sửa chữa, bổ sung thì cần thực hiện đúng quy định tại Điều 166 Luật TTHC.
• Cấp, gửi trích lục bản án, bản án, quyết định theo đúng quy định tại Điều 196 Luật TTHC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét