3.4.1. Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án và Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 141 và Điều 142)
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Khi xét thấy vụ án thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 141 Luật TTHC thì ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án (theo mẫu số 10-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP).
• Trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ trong thời gian ngắn nhất để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết.
• Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì Thẩm phán ra Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án (theo mẫu số 12-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP).
• Hậu quả của việc tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án:
- Tòa án không xóa tên vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết trong sổ thụ lý mà chỉ ghi chú vào sổ thụ lý số và ngày, tháng, năm của quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án đó để theo dõi;
- Khi lý do tạm đình chỉ quy định tại Điều 141 Luật TTHC không còn thì Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án và hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án;
- Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được xử lý khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.
3.4.2. Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 143 và Điều 144)
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Khi xét thấy vụ án thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143 Luật TTHC thì ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
• Khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ cho đương sự nếu có yêu cầu.
• Hậu quả của việc tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án:
- Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện này không có gì khác với vụ án đã bị đình chỉ về người khởi kiện, người bị kiện và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp bị đình chỉ theo quy định tại các điểm b, c và e khoản 1 Điều 123, điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 143 Luật TTHC và trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
- Tiền tạm ứng án phí, lệ phí mà đương sự đã nộp được xử lý theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.
3.4.3. Quyết định đưa vụ án ra xét xử
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 146)
- Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP
- Nghị quyết số 33/2021/QH15
- Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP (Điều 9)
• Khi xét thấy vụ án có đủ các điều kiện để đưa ra xét xử thì phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Quyết định này phải có các nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật TTHC (mẫu số 16-HC ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP).
• Trường hợp vụ án được xét xử bằng hình thức trực tuyến, xem tiểu mục 1.2.5 mục 1 Phần thứ hai Sổ tay Thẩm phán.
3.4.4. Gửi các quyết định và gửi hồ sơ cho VKS
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 145, 146 và 147)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Cần phải gửi các quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án; quyết định tiếp tục giải quyết vụ án; quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án cho đương sự; VKS cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định (khoản 2 Điều 145 Luật TTHC).
• Tòa án gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cùng hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp ngay sau khi ban hành quyết định. VKS nghiên cứu hồ sơ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án thì phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án (Điều 147 Luật TTHC).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét