3.2. Xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục tái thẩm

3.2.1. Xác định căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm và tính chất của tái thẩm

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 397 và Điều 398)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Thủ tục tái thẩm là thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án không biết được khi ra bản án, quyết định đó (Điều 397 BLTTHS).

  Nếu thủ tục GĐT xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án thì thủ tục tái thẩm phải có tình tiết mới được phát hiện và Toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó. Tình tiết mới đó có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định.

  Việc xác định bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được thực hiện như tại điểm 3.1.1 tiểu mục 3.1 mục 3 Phần thứ hai này.

  Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ được quy định tại Điều 398 BLTTHS.

3.2.2. Thông báo và xác minh những tình tiết mới được phát hiện

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 399)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những tình tiết mới của vụ án và thông báo kèm theo các tài liệu liên quan cho VKS hoặc Tòa án.

  Trường hợp Tòa án nhận được thông báo hoặc tự mình phát hiện tình tiết mới của vụ án thì phải thông báo ngay bằng văn bản kèm theo các tài liệu liên quan cho Viện trưởng VKS có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm.

  Viện trưởng VKS có thẩm quyền kháng nghị ra quyết định xác minh những tình tiết đó (khoản 1 Điều 399 BLTTHS).

  VKS phải xác minh những tình tiết mới; khi xét thấy cần thiết, Viện trưởng VKS có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm yêu cầu CQĐT có thẩm quyền xác minh tình tiết mới của vụ án và chuyển kết quả xác minh cho VKS. Khi tiến hành xác minh tình tiết mới của vụ án, VKS, CQĐT có quyền áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng theo quy định của BLTTHS (khoản 2 và khoản 3 Điều 399 BLTTHS).

3.2.3. Xác định thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 400 và Điều 401)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Để xác định thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm cần căn cứ vào Điều 400 BLTTHS. Chỉ có Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKS quân sự trung ương, Viện trưởng VKSND cấp cao mới có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

  Để tình tiết của vụ án mới được phát hiện được coi là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm thì Viện trưởng VKS có thẩm quyền kháng nghị phải ra quyết định xác minh. Chỉ khi kết quả xác minh cho thấy tình tiết này là hoàn toàn mới được phát hiện và nó có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, thì Viện trưởng VKS có thẩm quyền mới kháng nghị.

  Khi được phân công giúp người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm để xem xét, quyết định việc kháng nghị theo thủ tục tái thẩm ngoài việc cần nắm chắc các công việc và kỹ năng thực hiện tại các điểm 3.2.1 và 3.2.2 tiểu mục 3.2 mục 3 Phần thứ hai này, cần nghiên cứu thực hiện các quy định tại Điều 400 và 401 BLTTHS.

3.2.4. Xác định thẩm quyền tái thẩm

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 382 và Điều 403)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Thẩm quyền tái thẩm được thực hiện như quy định tại Điều 382 BLTTHS.

3.2.5. Phiên toà tái thẩm

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 403, các điều 382, 383, 384, 385 và 386)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Phiên toà tái thẩm; những người tham gia phiên toà tái thẩm; thành phần Hội đồng tái thẩm; chuẩn bị phiên toà và thủ tục phiên toà tái thẩm; thời hạn tái thẩm theo quy định tại Điều 403 BLTTHS được thực hiện theo quy định tại các điều 383, 384, 385 và 386 BLTTHS và được tiến hành như điểm 3.1.5 tiểu mục 3.1 mục 3 Phần thứ hai này.

3.2.6. Công việc sau khi kết thúc phiên toà

VBQPPL:

- BLTTHS (các điều 395 và 396)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Hoàn thiện quyết định tái thẩm trong thời hạn không quá 10 ngày.

  Chuyển quyết định tái thẩm cho bộ phận chức năng để gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS.

  Giao hồ sơ vụ án cho bộ phận chức năng quản lý hồ sơ hoặc gửi cho cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp quy định tại Điều 396 BLTTHS.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét