3.2.1. Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 55, 78, 84 và 93)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Về nguyên tắc các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (khoản 5 Điều 55, Điều 78 Luật TTHC).
• Tòa án chỉ xác minh, thu thập chứng cứ theo đề
nghị của đương sự trong trường hợp đương sự không thể tự mình xác minh, thu thập
tài liệu, chứng cứ của vụ án; hoặc trong những trường hợp xét thấy cần thiết (nếu
việc xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án bảo đảm cho việc giải quyết vụ án
hành chính được toàn diện, chính xác, công minh, đúng pháp luật (khoản 6 Điều
55, khoản 2 Điều 84, Điều 93 Luật TTHC).
3.2.2. Các biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 78, 83, 84, 93 và 118)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Việc xác minh, thu thập chứng cứ được thực hiện bằng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều 84 Luật TTHC, cụ thể là:
• Yêu cầu các đương sự cung cấp, bổ sung chứng cứ hoặc trình bày về những vấn đề cần thiết. Các tài liệu, chứng cứ do các đương sự phải nộp cho Tòa án gồm:
- Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, bản sao quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có), cung cấp chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do (khoản 1 Điều 78 Luật TTHC);
- Người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Tòa án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định giải quyết khiếu nại về kiểm toán, danh sách cử tri, hoặc có hành vi hành chính (khoản 2 Điều 78 Luật TTHC);
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (khoản 3 Điều 78 Luật TTHC);
- Nếu xét thấy các tài liệu, chứng cứ các đương sự nộp cho Tòa án chưa đầy đủ hoặc chưa rõ ràng thì cần yêu cầu đương sự cung cấp, bổ sung chứng cứ hoặc trình bày về những vấn đề chưa rõ, những vấn đề cần thiết khác cho việc giải quyết vụ án. Việc yêu cầu cần được thể hiện bằng văn bản và ghi rõ những yêu cầu cụ thể;
- Đương sự có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ. Khi yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ thì đương sự phải làm đơn ghi rõ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp, lý do yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần cung cấp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người có yêu cầu biết (khoản 1 Điều 93 Luật TTHC);
- Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện
pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì
có thể làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; chứng cứ cần thu thập; lý do vì
sao tự mình không thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của
cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ cần thu thập đề nghị
Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý
tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho mình hoặc tiến hành thu thập
tài liệu, chứng cứ bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính (khoản 1 Điều
93 Luật TTHC).
3.2.3. Tòa án xác minh thu thập chứng cứ
VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 7, 9, 10 và 19; các điều từ Điều 53 đến Điều 65; các điều từ Điều 83 đến Điều 93)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Để tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ vụ án hành chính được bảo đảm cần:
- Xác định đúng, đầy đủ các đương sự của vụ án, những người tham gia tố tụng khác và tạo điều kiện để họ thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình (các điều 7, 9, 10, 19 và các điều từ Điều 53 đến Điều 65 Luật TTHC);
- Xác định chính xác đối tượng khởi kiện của vụ án thuộc loại việc nào trong các loại việc khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 30 Luật TTHC và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
- Xác định những vấn đề chính cần giải quyết trong vụ án để có quyết định về những vấn đề cần phải chứng minh, phải xác minh, thu thập chứng cứ chứng minh và các văn bản quy phạm pháp luật cần áp dụng;
- Xác định các biện pháp cần phải tiến hành để xác minh, thu thập chứng cứ (khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 84 Luật TTHC);
- Khi xét thấy cần thiết hoặc trên cơ sở yêu cầu của đương sự, Thẩm phán có thể tiến hành một số biện pháp để thu thập chứng cứ.
• Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng:
- Khi đương sự chưa có bản khai hoặc nội dung bản khai chưa đầy đủ, rõ ràng, hoặc đương sự không thể tự viết thì Thẩm phán tiến hành lấy lời khai;
- Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành lấy lời khai của người làm chứng (Điều 86 Luật TTHC);
- Lưu ý:
+ Việc lấy lời khai của đương sự, người làm chứng có thể được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc ngoài trụ sở Tòa án và do Thẩm phán thực hiện. Thư ký Tòa án chỉ có thể giúp Thẩm phán ghi lời khai của đương sự, người làm chứng vào biên bản;
+ Thủ tục lấy lời khai được tiến hành theo quy định tại Điều 85 Luật TTHC;
+ Về nguyên tắc cần yêu cầu người làm chứng viết bản trình bày về những vấn đề họ biết có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án. Chỉ trong trường hợp họ không thể tự viết được mới ghi biên bản lấy lời khai.
• Tiến hành đối chất theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có sự mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng:
- Thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng;
- Việc đối chất phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia đối chất (Điều 87 Luật TTHC).
• Xem xét, thẩm định tại chỗ:
- Để xem xét, thẩm định tại chỗ cần ra quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ. Quyết định này cần có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm ra quyết định và tên Tòa án ra quyết định;
+ Đối tượng và những vấn đề cần xem xét, thẩm định tại chỗ;
+ Thời gian, địa điểm tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ.
- Quyết định này cần phải được gửi cho UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định tại chỗ và đề nghị cử đại diện tham gia việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Quyết định này cũng cần được giao hoặc gửi cho đương sự để họ biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định tại chỗ (không bắt buộc họ phải có mặt).
• Trưng cầu giám định:
- Trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự;
- Việc trưng cầu giám định cần được làm thành văn bản dưới hình thức: “Quyết định trưng cầu giám định”. Quyết định này cần có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm ra quyết định và tên Tòa án ra quyết định;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức giám định nếu Tòa án trưng cầu tổ chức giám định hoặc họ, tên, địa chỉ của người giám định được trưng cầu giám định nếu Tòa án trưng cầu người đó tiến hành giám định;
+ Nguồn gốc và đặc điểm của đối tượng giám định;
+ Tên các tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo;
+ Những vấn đề cần giám định;
+ Các yêu cầu cụ thể cần có kết luận giám định;
+ Thời hạn trả kết luận giám định.
- Quyết định này cần được gửi cho các đương sự, tổ chức giám định, Giám định viên.
• Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình tài liệu, chứng cứ (khoản 1 Điều 93 Luật TTHC):
- Việc yêu cầu này phải bằng quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án;
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu;
- Hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Tòa án:
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng có thể bị xử lý theo quy định của Luật TTHC và pháp luật có liên quan;
+ Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức,
cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa
án.
3.2.4. Tòa án ủy thác thu thập chứng cứ
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 92)
- Công ước Tống đạt
- Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có thể ra quyết định ủy thác để Tòa án khác hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 92 Luật TTHC:
- Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;
- Xem xét, thẩm định tại chỗ;
- Định giá tài sản;
- Các biện pháp khác để thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh tình tiết của vụ án hành chính.
• Trong quyết định ủy thác phải ghi rõ tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện và những công việc cụ thể ủy thác để thu thập tài liệu, chứng cứ.
• Tòa án nhận được quyết định ủy thác có trách nhiệm thực hiện công việc cụ thể được ủy thác. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác, Tòa án nhận được quyết định ủy thác phải:
- Thông báo kết quả bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác;
- Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác.
• Trường hợp việc thu thập tài liệu, chứng cứ phải tiến hành ở nước ngoài, Tòa án làm thủ tục ủy thác thông qua:
- Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc;
- Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và CHXHCN Việt Nam là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này hoặc;
- Thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
- Các giấy tờ tư pháp có thể bao gồm thông báo triệu tập, bản ghi ý kiến của đương sự đối với yêu cầu của người khởi kiện, quyết định và phán quyết được tuyên bởi một cán bộ của cơ quan tư pháp có thẩm quyền, cũng như giấy triệu tập nhân chứng, và yêu cầu thu thập chứng cứ gửi đến các bên kể cả khi các lệnh yêu cầu này được tuyên như một phần của quá trình thu thập, xem xét chứng cứ (Điều 17 Công ước Tống đạt).
- Thủ tục tống đạt qua 01 kênh tống đạt chính là kênh tống đạt thông qua Cơ quan trung ương của nước được yêu cầu (Điều 2 đến Điều 7 Công ước Tống đạt) và các kênh tống đạt thay thế (Điều 8 đến Điều 11 Công ước Tống đạt) gồm:
+ Tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự (Điều 8 Công ước Tống đạt);
+ Tống đạt cho cơ quan thẩm quyền của nước được yêu cầu thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự (Điều 9 Công ước Tống đạt);
+ Tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài qua đường bưu điện (điểm a Điều 10 Công ước Tống đạt);
+ Tống đạt từ nhân viên tư pháp, cán bộ hoặc người có thẩm quyền của nước yêu cầu trực tiếp qua nhân viên tư pháp, cán bộ hoặc người có thẩm quyền của nước được yêu cầu (điểm b Điều 10 Công ước Tống đạt);
+ Tống đạt từ bất kỳ cá nhân nào có liên quan trong thủ tục tố tụng trực tiếp qua nhân viên tư pháp, cán bộ hoặc người có thẩm quyền của nước được yêu cầu (điểm c Điều 10 Công ước Tống đạt);
+ Các kênh tống đạt khác mà các nước thành viên chấp nhận (Điều 11 Công ước Tống đạt).
- Kênh tống đạt chính và kênh tống đạt thay thế đều có giá trị pháp lý như nhau; không có bất kỳ ưu tiên, hoặc thứ bậc nào cho các kênh tống đạt này. Các quốc gia tham gia Công ước Tống đạt có quyền lựa chọn sử dụng kênh tống đạt nào mà họ thấy rằng phù hợp với điều kiện của quốc gia mình.
- Hồ sơ yêu cầu tống đạt (Điều 3 và Điều 5 Công ước Tống đạt) gồm:
+ Yêu cầu tống đạt;
+ Tóm tắt tài liệu tống đạt;
+ Các tài liệu kèm theo.
Yêu cầu tống đạt và tóm tắt tài liệu tống đạt phải lập theo mẫu của Công ước và là yêu cầu mang tính bắt buộc của Công ước.
- Yêu cầu tống đạt phải có đủ những thông tin sau: (1) tên và địa chỉ của cơ quan yêu cầu tống đạt, (2) tên và địa chỉ của cơ quan được tống đạt, (3) tên và địa chỉ của người được tống đạt, (4) phương thức tống đạt; (5) phụ lục đính kèm (nếu có); (6) danh mục tài liệu và phụ lục kèm theo yêu cầu tống đạt. Cơ quan yêu cầu tống đạt phải điền ngày và ký vào yêu cầu tống đạt.
- Bản tóm tắt (bản kê) tài liệu tống đạt được chuyển cho đương sự tống đạt, với mục đích là thông tin ban đầu cho đương sự về bản chất và mục đích của tài liệu; bản chất và mục đích của tố tụng và ngày, địa điểm tham dự phiên tòa hoặc bản án, quyết định.
- Số lượng hồ sơ tống đạt gửi đến nước được yêu cầu là 2 bộ (Điều 3 Công ước Tống đạt)
- Các yêu cầu tống đạt và tài liệu được miễn hợp pháp hóa hoặc các thủ tục hợp pháp hóa khác tương đương.
- Hồ sơ tống đạt phải được lập hoặc dịch sang ngôn ngữ chính thức hoặc một trong những ngôn ngữ chính thức của nước được yêu cầu (Điều 5 Công ước Tống đạt)
- Tống đạt giấy tờ tư pháp từ nước thành viên sẽ không phải chịu một khoản phí hoặc thuế hoặc chi phí tống đạt của nước được yêu cầu. Tuy nhiên, người yêu cầu tống đạt sẽ phải trả phí tống đạt giấy tờ trong trường hợp phải thuê nhân viên tư pháp hoặc người có thẩm quyền theo luật của nước được yêu cầu hoặc trong trường hợp họ muốn thực hiện một phương thức tống đạt cụ thể (Điều 12 Công ước Tống đạt).
- Các kênh tống đạt thay thế cụ thể như sau:
+ Tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự của nước yêu cầu: Tống đạt chỉ được thực hiện theo hình thức này khi đương sự tự nguyện chấp nhận giấy tờ tống đạt (Điều 8 Công ước Tống đạt);
+ Tống đạt tài liệu thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự của nước yêu cầu gửi cho cơ quan thẩm quyền của nước được yêu cầu: Cơ quan có thẩm quyền nước được yêu cầu sau đó sẽ chuyển tài liệu cho cơ quan có thẩm quyền của nước mình thực hiện tống đạt hoặc tống đạt trực tiếp cho đương sự có liên quan (Điều 9 Công ước Tống đạt).
+ Tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài thông qua bưu điện: (Khoản a Điều 10 Công ước Tống đạt).
• Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác
theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 92 Luật TTHC hoặc đã thực hiện việc ủy
thác nhưng không nhận được kết quả trả lời thì Tòa án giải quyết vụ án trên cơ
sở chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án.
3.2.5. Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản
VBQPPL:
- Luật TTHC (Điều 91)
- Luật Giá
- Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;
- Các đương sự đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;
- Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản;
- Người khởi kiện thỏa thuận với tổ chức thẩm định giá để thẩm định giá tài sản theo mức giá cao hơn so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm thu lợi bất chính từ tài sản của Nhà nước hoặc người bị kiện thỏa thuận với tổ chức thẩm định giá để thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp hơn so với giá thị trường nhằm trốn tránh trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá có vi phạm pháp luật khi thẩm định giá.
• Hội đồng định giá do Tòa án thành lập gồm:
- Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính;
- Thành viên Hội đồng định giá là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan;
- Người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó, người quy định tại Điều 45 Luật TTHC không được tham gia Hội đồng định giá.
• Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi:
- Có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng;
- Trường hợp cần thiết, đại diện UBND cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá;
- Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá;
- Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá.
• Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ. Người được cử làm thành viên Hội đồng định giá có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào việc định giá.
• Trường hợp cơ quan tài chính, các cơ quan chuyên môn không cử người tham gia Hội đồng định giá thì Tòa án yêu cầu cơ quan quản lý có thẩm quyền trực tiếp chỉ đạo cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn thực hiện yêu cầu của Tòa án.
• Người được cử tham gia Hội đồng định giá không tham gia mà không có lý do chính đáng thì Tòa án yêu cầu lãnh đạo cơ quan đã cử người tham gia Hội đồng định giá xem xét trách nhiệm, cử người khác thay thế và thông báo cho Tòa án biết để tiếp tục tiến hành định giá.
• Việc định giá phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, của đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên vào biên bản.
• Việc định giá lại tài sản được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án hành chính.
• Lưu ý: Trường hợp khiếu kiện quyết định hành
chính trong lĩnh vực quản lý đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà
nước thu hồi đất mà có yêu cầu Tòa án xem xét về giá bồi thường thì Tòa án căn
cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mục đích thu hồi đất, giá đất cụ thể của
loại đất thu hồi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tại thời điểm quyết
định thu hồi đất để giải quyết vụ án mà không được tiến hành định giá giá trị
quyền sử dụng đất (Mục 13 Phần I Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của
TANDTC).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét