3.1. Xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm

3.1.1. Xác định các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục GĐT và tính chất của GĐT

VBQPPL:

- BLTTHS (các điều 342, 343, 348, 355, 370, 371 và 395)

- Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  GĐT là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án (Điều 370 BLTTHS).

  Lưu ý: Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bao gồm:

-  Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (Điều 343 BLTTHS);

-  Toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị nhưng người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo và Viện trưởng VKS rút toàn bộ kháng nghị và Toà án cấp phúc thẩm (Thẩm phán trước khi mở phiên toà, HĐXX tại phiên toà) ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm (khoản 1 Điều 348 BLTTHS);

-  Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện trưởng VKS rút một phần kháng nghị tại phiên tòa, mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì HĐXX phúc thẩm nhận định về việc rút kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm (khoản 3 Điều 342 BLTTHS), tức là phần bản án, quyết định sơ thẩm đó có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên bản án phúc thẩm;

-  Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện trưởng VKS rút một phần kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút, tức là phần bản án, quyết định sơ thẩm đó có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định phúc thẩm;

-  Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (khoản 2 Điều 355 BLTTHS);

-  Quyết định GĐT có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định (khoản 1 Điều 395 BLTTHS).

  Vi phạm pháp luật nghiêm trọng là các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục GĐT bao gồm các trường hợp được quy định tại Điều 371 BLTTHS.

  Lưu ý:

-  Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án tức là trong phần nhận định của Tòa án, trong phần quyết định của bản án hoặc quyết định có những vấn đề không phù hợp với những tình tiết khách quan đã thu thập được trong hồ sơ vụ án và đã được xem xét tại phiên toà hoặc những tình tiết khách quan đã được làm rõ tại phiên toà qua tranh tụng;

-  Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án là trường hợp BLTTHS quy định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành theo thủ tục tố tụng đó, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc không thực hiện đúng dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Nếu có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng không dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án thì vi phạm đó không phải là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục GĐT;

-  Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật là việc áp dụng không đúng quy định của pháp luật hoặc không áp dụng quy định pháp luật để giải quyết vụ án. “Sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” không chỉ là những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS, BLTTHS mà còn bao gồm cả những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật khác có liên quan. Cũng coi như sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nếu áp dụng đúng điểm, khoản, điều luật của BLHS nhưng xử quá nhẹ hoặc xử quá nặng; buộc bồi thường không đúng v.v…

3.1.2. Phát hiện bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục GĐT

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 372)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Bất kỳ người nào, cơ quan, tổ chức đều có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị biết (khoản 1 Điều 372 BLTTHS).

  Đối với Toà án, VKS khi phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì thông báo ngay bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị biết (khoản 2 và 3 Điều 372 BLTTHS).

3.1.3. Xác định thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT

VBQPPL:

- BLTTHS (các điều 41, 44, 373, 377, 378 và 379)

- Luật Tổ chức TAND (khoản 3 Điều 27, điểm c khoản 2 Điều 35)

- Luật Tổ chức VKSND (khoản 3 Điều 3)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Để xác định đúng thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT cần căn cứ vào Điều 373 BLTTHS. Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 3 Điều 27, điểm c khoản 2 Điều 35 Luật Tổ chức TAND , khoản 3 Điều 3 Luật Tổ chức VKSND, Điều 41 và Điều 44 BLTTHS thì Phó Chánh án TANDTC, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Phó Chánh án TAND cấp cao, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao được phân công phụ trách phần việc cũng có quyền ký kháng nghị thay Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao.

  Khi được phân công giúp người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục GĐT, để xem xét, quyết định việc kháng nghị theo thủ tục GĐT, ngoài việc cần nắm chắc các công việc và kỹ năng thực hiện tại các điểm 3.1.1 và 3.1.2 tiểu mục 3.1 mục 3 Phần thứ hai này, cần nghiên cứu thực hiện các quy định tại các điều 377, 378 và 379 BLTTHS.

3.1.4. Xác định thẩm quyền giám đốc thẩm

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 382)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Thẩm quyền GĐT và thành phần Hội đồng GĐT được quy định cụ thể tại Điều 382 BLTTHS.

  Lưu ý quy định tại khoản 6 Điều 382 BLTTHS: “Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị thuộc thẩm quyền GĐT của các cấp khác nhau thì HĐTP TANDTC GĐT toàn bộ vụ án”.

Ví dụ: Bản án sơ thẩm của Toà án tỉnh X đã xét xử đối với 05 bị cáo. Chỉ có 02 bị cáo kháng cáo và TAND cấp cao tại Hà Nội (có thẩm quyền theo lãnh thổ) quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với họ. Trong trường hợp này bản án sơ thẩm của Toà án tỉnh X đã có hiệu lực pháp luật đối với 03 bị cáo không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật đối với 02 bị cáo kháng cáo kể từ ngày tuyên án. Phát hiện cả hai bản án đều có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật và Chánh án TANDTC kháng nghị theo thủ tục GĐT. Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 382 BLTTHS thì thẩm quyền GĐT đối với phần bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật thuộc Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội.

Theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 382 BLTTHS thì thẩm quyền GĐT đối với bản án phúc thẩm thuộc TANDTC. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 6 Điều 382 BLTTHS thì trong trường hợp này HĐTP TANDTC có thẩm quyền GĐT toàn bộ vụ án.

3.1.5. Phiên toà giám đốc thẩm

VBQPPL:

- BLTTHS (các điều 379, 382, 383, 384, 386, 387, 388, 389, 390, 391, 392 và 393)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Thực tiễn việc phân công Chủ tọa phiên tòa GĐT như sau:

-  Phiên toà GĐT của Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC hoặc của Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao do Chánh án hoặc một Phó Chánh án được Chánh án uỷ nhiệm làm Chủ tọa phiên toà;

-  Phiên toà GĐT của HĐXX gồm 05 Thẩm phán của HĐTP TANDTC, HĐXX gồm 03 Thẩm phán của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao do 01 Phó Chánh án hoặc 01 Thẩm phán làm Chủ tọa phiên tòa theo sự phân công của Chánh án TANDTC, Chánh án TAND cấp cao;

-  Phiên toà GĐT của Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương thì do Chánh án TAQS trung ương hoặc một Phó Chánh án TAQS trung ương được Chánh án uỷ nhiệm làm Chủ tọa phiên toà.

  Kiểm sát viên VKS cùng cấp phải tham gia phiên toà GĐT. Đối với người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị thì chỉ triệu tập họ tham gia phiên toà GĐT nếu xét thấy thật sự cần thiết hoặc xét thấy có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu họ vắng mặt thì phiên tòa GĐT vẫn được tiến hành (Điều 383 BLTTHS).

  Nếu được Chánh án phân công làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên toà GĐT thì Thẩm phán là thành viên Hội đồng GĐT làm bản thuyết trình về vụ án đúng theo quy định tại Điều 384 BLTTHS. Bản thuyết trình và các tài liệu có liên quan phải được gửi trước cho các thành viên của Hội đồng GĐT chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở phiên tòa GĐT.

  Theo quy định được cụ thể hoá tại Điều 386 BLTTHS thì trình tự, thủ tục phiên toà GĐT như sau:

-  Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên toà và kiểm tra sự có mặt của những người tiến hành tố tụng và những người được triệu tập tham gia phiên toà GĐT. Cần chú ý là, người được triệu tập tham gia phiên toà GĐT vắng mặt (không phân biệt có lý do chính đáng hay không có lý do chính đáng) thì Hội đồng GĐT vẫn có thể tiến hành xét xử;

-  BLTTHS không quy định nhưng cần có một Thư ký Toà án ghi biên bản phiên toà GĐT;

-  Sau khi Chủ tọa khai mạc phiên tòa, một thành viên của Hội đồng GĐT trình bày bản thuyết trình về vụ án;

-  Các thành viên khác của Hội đồng GĐT hỏi thêm Thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án;

-  Trường hợp VKS kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị;

-  Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng GĐT yêu cầu;

-  Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án;

-  Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa GĐT tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước Tòa án;

-  Các thành viên Hội đồng GĐT phát biểu ý kiến của mình và thảo luận (trong quá trình các thành viên Hội đồng GĐT thảo luận, phát biểu ý kiến, nếu đại diện VKS có đề nghị phát biểu ý kiến bổ sung thì Chủ tọa phiên tòa xem xét, quyết định);

-  Sau khi các thành viên Hội đồng GĐT thảo luận, phát biểu ý kiến xong, Chủ toạ phiên toà đưa ra các vấn đề cần quyết định và các thành viên Hội đồng GĐT biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.

  Xác định phạm vi GĐT

-  Theo quy định tại Điều 387 BLTTHS thì Hội đồng GĐT phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị. Tuy nhiên, khi xem xét theo hướng không có lợi cho người bị kết án cần chú ý là chỉ khi bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật chưa quá một năm (khoản 1 Điều 379 BLTTHS).

  Xác định thẩm quyền của Hội đồng GĐT

-  Thẩm quyền của Hội đồng GĐT được quy định tại Điều 388 và các điều tương ứng 389, 390, 391, 392 và 393 BLTTHS, cụ thể như sau:

+  Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị (Điều 389);

+  Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật (Điều 390);

+  Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại (Điều 391);

+  Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án (Điều 392);

+  Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (Điều 393);

+  Đình chỉ xét xử GĐT (khoản 6 Điều 388).

-  Khi huỷ phần quyết định nào đó trong bản án đã có hiệu lực pháp luật cần ghi: “huỷ bản án số... ngày... tháng... năm của Toà... về phần quyết định...”. Không được ghi huỷ một phần bản án...

-  Trong trường hợp huỷ bản án hoặc quyết định bị kháng nghị để điều tra lại hoặc để xét xử lại và xét thấy việc tiếp tục tạm giam bị cáo là cần thiết, thì Hội đồng GĐT ra quyết định tạm giam cho đến khi VKS hoặc Toà án thụ lý lại vụ án.

3.1.6. Công việc sau khi kết thúc phiên toà

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 395 và Điều 396)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Hoàn thiện quyết định GĐT trong thời hạn không quá 10 ngày.

  Chuyển quyết định GĐT cho bộ phận chức năng để gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 395 BLTTHS.

  Giao hồ sơ vụ án cho bộ phận chức năng quản lý hồ sơ hoặc gửi cho cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp quy định tại Điều 396 BLTTHS.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét