2.5. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
VBQPPL:
- BLDS (Điều 601)
- Luật GTĐB
- Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP (tham khảo)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau:
- Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra;
- Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thoả thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường;
- Ví dụ: Các thoả thuận sau đây được coi là không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường:
+ Cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
+ Chủ sở hữu bồi thường thiệt hại trước, sau đó người được giao chiếm hữu, sử dụng sẽ hoàn trả cho chủ sở hữu khoản tiền đã bồi thường;
+ Ai có điều kiện về kinh tế hơn thì người đó thực hiện việc bồi thường thiệt hại trước.
- Trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không theo đúng quy định của pháp luật mà nguồn nguy hiểm cao độ đó gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: Chủ sở hữu xe ô tô biết một người không có giấy phép lái xe ô tô, nhưng vẫn giao quyền chiếm hữu, sử dụng xe ô tô cho người đó dẫn đến gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.
· Về nguyên tắc chung thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
- Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
Ví dụ: Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra.
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
· Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (Ví dụ: khi họ đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật).
· Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ, có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
· Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác rồi sau đó nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông, đã gây ra tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt:
- B chỉ được A thuê lái xe ô tô cho A và được trả tiền công. Trường hợp này, B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô mà A vẫn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó. Do đó, A phải bồi thường thiệt hại;
- B được A giao xe ô tô thông qua hợp đồng thuê tài sản. Trường hợp này A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp. Do đó, B phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu cũng trong trường hợp này, với sự đồng ý của A, B giao xe ô tô cho C thông qua hợp đồng cho thuê lại tài sản, thì C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó. Do đó, C phải bồi thường thiệt hại nếu để xảy ra thiệt hại.
· Lưu ý:
- Đây là các trường hợp điển hình về trách nhiệm bồi thường thiệt hại không cần có lỗi. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp người chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đều phải bồi thường thiệt hại. Vẫn có trường hợp họ không có trách nhiệm bồi thường như theo quy định tại khoản 3 Điều 601 BLDS hoặc có trường hợp họ phải liên đới bồi thường như theo quy định tại khoản 4 Điều 601 BLDS ;
- Đối với những trường hợp bồi thường thiệt hại đã được quy định riêng trong BLDS thì trước tiên phải áp dụng những quy định riêng này. Đối với những trường hợp chưa được quy định riêng trong BLDS thì áp dụng những quy định khác của BLDS để giải quyết;
- Cần chú ý là khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Thẩm phán thường phải giải quyết đồng thời quan hệ hợp đồng bảo hiểm (được quy định trong pháp luật về bảo hiểm).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét