2.4. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

 2.4.1. Quyền yêu cầu và trách nhiệm của người yêu cầu, của người áp dụng BPKCTT

 VBQPPL:

- Luật TTHC (Điều 66 và Điều 72)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  • Đương sự yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
  • Tòa án áp dụng BPKCTT không đúng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
  • Người yêu cầu áp dụng BPKCTT không phải thực hiện biện pháp bảo đảm.

2.4.2. Thẩm quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các BPKCTT

VBQPPL:

- Luật TTHC (Điều 67 và Điều 74)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  • Việc áp dụng thay đổi, hủy bỏ BPKCTT trước khi mở phiên tòa do một Thẩm phán xem xét, quyết định; tại phiên tòa do HĐXX xem xét, quyết định.
  • Khi xét thấy không còn phù hợp mà cần thiết phải thay đổi bằng BPKCTT khác thì theo yêu cầu của đương sự, Tòa án xem xét, quyết định thay đổi BPKCTT đang được áp dụng.
  • Tòa án ra quyết định hủy bỏ BPKCTT đã được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật TTHC.
  • Thủ tục thay đổi, hủy bỏ BPKCTT được thực hiện theo quy định tại Điều 73 Luật TTHC.

2.4.3. Thủ tục áp dụng BPKCTT

VBQPPL:

- Luật TTHC (các điều 66, 68, 73 và 74)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Người yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết áp dụng BPKCTT.

  Đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT phải có các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật TTHC.

  Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận đơn yêu cầu đối với yêu cầu áp dụng BPKCTT quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật TTHC:

-  Thẩm phán phải ra quyết định áp dụng BPKCTT; trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu, VKS cùng cấp;

-  Trường hợp HĐXX nhận đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT tại phiên tòa thì HĐXX xem xét ra quyết định áp dụng ngay BPKCTT; trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì HĐXX thông báo, nêu rõ lý do cho người yêu cầu và ghi vào biên bản phiên tòa.

  Chánh án Tòa án chỉ định ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu đối với trường hợp yêu cầu áp dụng BPKCTT quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật TTHC ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu:

-  Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng BPKCTT;

-  Nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu và VKS cùng cấp.

  Thay đổi, hủy bỏ BPKCTT:

-  Theo yêu cầu của đương sự, Tòa án xem xét, quyết định thay đổi BPKCTT đang được áp dụng khi xét thấy không còn phù hợp mà cần thiết phải thay đổi bằng BPKCTT khác.

-  Tòa án ra quyết định hủy bỏ BPKCTT đã được áp dụng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+  Người yêu cầu áp dụng BPKCTT đề nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng;

+  Căn cứ của việc áp dụng BPKCTT không còn;

+  Vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

+  Các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Luật này;

+  Vụ án được đình chỉ theo quy định tại Điều 143 Luật TTHC.

-  Thủ tục thay đổi, hủy bỏ BPKCTT được thực hiện theo quy định tại Điều 73 Luật TTHC.

2.4.4. Giải quyết khiếu nại về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT

VBQPPL:

- Luật TTHC (Điều 76 và Điều 77)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT hoặc thông báo của Thẩm phán về việc không quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT, đương sự có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ án.

  Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị, Chánh án Tòa án phải xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị.

  Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng và phải được cấp hoặc gửi ngay cho đương sự, VKS cùng cấp và cơ quan THADS cùng cấp.

  Việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị tại phiên tòa về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT thuộc thẩm quyền của HĐXX. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của HĐXX là quyết định cuối cùng.

  Lưu ý:

-  Theo quy định tại Điều 77 Luật TTHC thì: Việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị tại phiên tòa thuộc thẩm quyền của HĐXX. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của HĐXX là quyết định cuối cùng;

-  Theo quy định nêu trên thì trường hợp khiếu nại việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT do HĐXX sơ thẩm ban hành tại phiên tòa sơ thẩm thì thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐXX sơ thẩm;

-  Trường hợp khiếu nại việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPKCTT sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm. Quyết định giải quyết khiếu nại của HĐXX là quyết định cuối cùng.

(Mục 7 Giải đáp số 02/2018/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2018 của TANDTC).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét