2.3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
VBQPPL:
- BLDS (Điều 585)
- Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP (tham khảo)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Thẩm phán phải tôn trọng thoả thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thoả thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Ví dụ: Hai bên thỏa thuận bồi thường 03 năm một lần thì Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó của các bên.
· Trường hợp các bên không thoả thuận được thì Thẩm phán phải áp dụng đúng các nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 BLDS:
- Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời: khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, Thẩm phán phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của BLDS để xác định xem thiệt hại bao gồm những khoản nào, thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu và mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương ứng. Ví dụ: Nhà ở bị làm hư hỏng phải tạm ngừng sử dụng. Chủ nhà yêu cầu bồi thường thu nhập bị mất về tiền cho thuê nhà. Nếu xác định được có việc cho thuê nhà và thiệt hại do không thu được tiền thuê nhà là có thật thì theo nguyên tắc nêu ở trên, yêu cầu bồi thường tiền thuê nhà phải được chấp nhận;
- Toà án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số BPKCTT theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự;
- Lưu ý: Có một BPKCTT mà Tòa án có thể tự mình áp dụng, không cần phải có yêu cầu của đương sự và cũng không cần biện pháp bảo đảm là “Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm” (khoản 3 Điều 114 BLTTDS);
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau đây:
+ Không có lỗi hoặc lỗi vô ý mà gây thiệt hại;
+ Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế của người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều này có nghĩa là thiệt hại mà một người có trách nhiệm bồi thường lớn hơn rất nhiều so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của người đó và về lâu dài thì người đó không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại.
- Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi mức bồi thường, đó là các trường hợp:
+ Do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện mới;
+ Do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại mà mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó; hoặc
+ Do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại v.v...
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi thì không được bồi thường thiệt hại phần do lỗi của mình gây ra (khoản 4 Điều 585 BLDS ).
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại do không áp dụng các biện pháp cần thiết hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho mình (khoản 5 Điều 285 BLDS ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét