2.2. Thụ lý việc dân sự

2.2.1.Thụ lý vụ án để chuẩn bị xét xử phúc thẩm

VBQPPL:

- BLTTDS (các điều từ Điều 285 đến Điều 292)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

· Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và VKS cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

· Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập HĐXX phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm Chủ tọa phiên tòa.

2.2.2. Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn yêu cầu

· Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Chánh án hoặc Phó Chánh án (được Chánh án ủy quyền) phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.

2.2.3. Xem xét đơn yêu cầu

· Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Thẩm phán được Chánh án phân công xét đơn yêu cầu phải nghiên cứu đơn yêu cầu và các tài liệu kèm theo và sẽ ra một trong các quyết định sau:

- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu:

+ Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 362 BLTTDS, Mẫu số 01-VDS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP) thì Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung; thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 04-VDS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP);

+ Trường hợp người yêu cầu thực hiện đầy đủ yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì Thẩm phán tiến hành thủ tục thụ lý việc dân sự;

+ Hết thời hạn nêu tại Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu (Mẫu số 04-VDS ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP) người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho họ.

- Thẩm phán tiến hành thủ tục thụ lý đơn yêu cầu khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Đơn yêu cầu ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 362 BLTTDS hoặc đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ theo yêu cầu của Thẩm phán;

+ Nội dung của đơn yêu cầu có phù hợp với các loại việc dân sự quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 BLTTDS.

- Trường hợp xét thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thực hiện như sau:

+ Thông báo về việc nộp tạm ứng lệ phí theo Mẫu số 05-VDS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP) cho người yêu cầu giải quyết việc dân sự để họ thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí, trừ trường hợp người đó được miễn hoặc không phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí;

+ Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự;

+ Trường hợp người yêu cầu được miễn hoặc không phải nộp lệ phí thì Thẩm phán thụ lý việc dân sự kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.

- Trả lại đơn yêu cầu:

Thẩm phán trả lại đơn yêu cầu trong những trường hợp sau đây:

+ Người yêu cầu không có quyền yêu cầu hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

+ Sự việc đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết;

+ Việc dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

Ø Áp dụng trong trường hợp nội dung của đơn yêu cầu có phù hợp với các loại việc dân sự quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 BLTTDS;

Ø Đối với việc yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; yêu cầu công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam thì không trả đơn mà giải quyết theo thủ tục quy định tại Phần thứ bảy BLTTDS.

+ Người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 363 BLTTDS;

+ Người yêu cầu không nộp lệ phí trong thời hạn quy định tại điểm a khoản 4 Điều 363 BLTTDS, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp lệ phí hoặc chậm nộp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

+ Người yêu cầu rút đơn yêu cầu;

+ Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật (trường hợp có luật khác quy định).

· Lưu ý: Thủ tục giải quyết khiếu nại trả lại đơn như Điều 194 BLTTDS.

2.2.4. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự

VBQPPL:

- BLTTDS (các điều 35, 36, 37, 470 và 471)

- Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Phải xác định đúng thẩm quyền giải quyết việc dân sự, đặc biệt là thẩm quyền của Toà án các cấp. Ngoài các quy định chung phân biệt thẩm quyền giữa Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp huyện (các điều 35 và 36 BLTTDS) cần chú ý là các yêu cầu về công nhận hay không công nhận bản án, quyết định của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đều thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh.

· Cũng như việc giải quyết các vụ án dân sự, việc giải quyết các việc dân sự có yếu tố nước ngoài cần lưu ý đến quy định “không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án” (Điều 471 BLTTDS).

· Trường hợp khi xác định thuộc thẩm quyền của Tòa chuyên trách nào sẽ do Chánh án quyết định và việc đã thụ lý rồi mới phát hiện thuộc thẩm quyền Tòa chuyên trách khác thì Tòa chuyên trách đã thụ lý vẫn tiếp tục giải quyết cũng áp dụng với việc dân sự.

· Thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án giải quyết việc dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 39 BLTTDS.

· Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của người yêu cầu được quy định tại khoản 2 Điều 40 BLTTDS.

· Lưu ý: “Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam” đối với những việc dân sự có yếu tố nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 470 BLTTDS.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét