2.2. Chuẩn bị xét xử phúc thẩm

2.2.1. Xác định phạm vi xét xử phúc thẩm

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 345)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Về nguyên tắc chung, Toà án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu xét thấy cần thiết thì Toà án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác của bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 345 BLTTHS . Trong trường hợp này cần triệu tập những người tham gia tố tụng có liên quan đến phần không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án.

2.2.2. Xác định thời hạn chuẩn bị xét xử

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 346, 347)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  TAND cấp tỉnh, TAQS cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày theo quy định tại Điều 346 BLTTHS .

  TAND cấp cao, TAQS trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án (Điều 346 BLTTHS ).

  Lưu ý: Đối với Toà án cấp phúc thẩm, không được gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử. Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Trường hợp còn thời hạn tạm giam bị cáo mà xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm sử dụng thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm. Trường hợp đã hết thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm thì Chánh án, Phó Chánh án Tòa án ra quyết định tạm giam mới. Đối với bị cáo đang bị tạm giam, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì HĐXX ra quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa theo quy định tại Điều 347 BLTTHS .

2.2.3. Xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 347)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, phải xem xét có căn cứ áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn hay không. Để quyết định đúng cần căn cứ vào quy định tại Điều 347 BLTTHS.

2.2.4. Gửi hồ sơ vụ án cho VKS cùng cấp với Toà án cấp phúc thẩm

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 341)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Việc gửi hồ sơ cho VKS cùng cấp với Tòa án cấp phúc thẩm phải được thực hiện theo quy định tại Điều 341 BLTTHS .

2.2.5. Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm

VBQPPL:

- BLTTHS (khoản 2 Điều 254)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

HĐXX phúc thẩm gồm ba Thẩm phán. Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định điểm b khoản 2 Điều 346 BLTTHS .

2.2.6. Nghiên cứu hồ sơ vụ án

VBQPPL:

- BLTTHS (các điều 307; 345, 348 và 355)

- Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Về nguyên tắc chung, cần phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án cả về thủ tục tố tụng và nội dung sự việc. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, nếu xét thấy không cần thiết xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án, thì chỉ lập kế hoạch xét hỏi đối với nội dung kháng cáo, kháng nghị (Lưu ý: Đây chỉ là dự kiến kế hoạch xét hỏi, tại phiên tòa căn cứ vào diễn biến thực tế để xét hỏi cho phù hợp).

  Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án

Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án có thể được thay đổi linh hoạt phụ thuộc vào từng vụ án và kỹ năng của mỗi Thẩm phán. Thông thường, được tiến hành như sau:

-  Nghiên cứu kháng cáo, kháng nghị để xác định chủ thể kháng cáo, đối tượng kháng cáo;

-  Nghiên cứu bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị;

-  Nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc xem xét kháng cáo, kháng nghị;

-  Xét thấy có cần thiết xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án, quyết định sơ thẩm không;

-  Cần ghi chép những chứng cứ chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị (cần ghi số bút lục để dễ tìm kiếm khi cần thiết);

-  Căn cứ vào quy định tại Điều 307 BLTTHS cần có kế hoạch xét hỏi cụ thể hợp lý.

  Nếu trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, người kháng cáo và VKS kháng nghị rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm theo Điều 348 BLTTHS . Quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm phải làm đúng theo mẫu số 51-HS ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP.

2.2.7. Nhận và xem xét chứng cứ được bổ sung tại Toà án cấp phúc thẩm

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 88)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm có quyền yêu cầu VKS bổ sung chứng cứ mới; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

  VKS có thể tự mình bổ sung chứng cứ mới; người kháng cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền bổ sung tài liệu, đồ vật. Việc giao nhận chứng cứ mới; giao nhận tài liệu, đồ vật do đương sự bổ sung phải được lập thành văn bản. Biên bản phải có chữ ký của bên giao, bên nhận và được lưu trong hồ sơ vụ án.

  Chứng cứ mới, tài liệu, đồ vật mới bổ sung đều phải được xem xét, nghiên cứu cùng chứng cứ cũ, tài liệu đã có trong hồ sơ vụ án.

2.2.8. Triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà phúc thẩm

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 351)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Căn cứ vào Điều 351 BLTTHS để xác định những người tham gia phiên toà phúc thẩm. Trên cơ sở đó, triệu tập những người tham gia đến phiên toà phúc thẩm bằng văn bản và tuỳ vào từng đối tượng cụ thể mà có hình thức văn bản phù hợp.

2.2.9. Chuẩn bị cho việc quyết định bắt và tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án

VBQPPL:

- BLTTHS (Điều 347)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

  Trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy có đủ các điều kiện (có căn cứ để xử phạt tù bị cáo; bị cáo không thuộc trường hợp có thể cho hưởng án treo; bị cáo không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 BLTTHS và xét thấy cần ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án, thì căn cứ vào Điều 347 và tham khảo hướng dẫn tại tiểu mục 2.2 mục 2 Phần II Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP để thực hiện.

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét