2.1.Kháng cáo, kháng nghị

2.1. Kháng cáo, kháng nghị

VBQPPL:

- BLTTDS (từ Điều 270 đến Điều 284)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Tiếp nhận đơn kháng cá

- Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo có trách nhiệm tiếp nhận đơn kháng cáo và những tài liệu kèm theo;

- Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục theo quy định.

· Kiểm tra và xử lý đơn kháng cáo

- Cần xác định người có quyền kháng cáo theo quy định tại Điều 271 BLTTDS; 

- Xác định tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định tại Điều 272 BLTTDS.

Lưu ý: Nếu người đại diện của đương sự là pháp nhân thì theo khoản 2 Điều 137 BLDS và Điều 12 Luật DN thì pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Khi xác định người đại diện theo pháp luật đối với các tổ chức cần kiểm tra, đối chiếu Điều lệ của tổ chức đó.

- Kiểm tra việc kháng cáo có quá hạn không?

+ Kháng cáo trong hạn:

Ø Kháng cáo trong hạn là kháng cáo đúng thời hạn quy định tại Điều 273 BLTTDS, được xác định cụ thể như sau:

Ø Thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày:

o Trường hợp đương sự, người đại diện của đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện theo Điều 187 BLTTDS có mặt tại phiên tòa, kể cả trường hợp đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn tính từ ngày tuyên án;

o Trường hợp đương sự, người đại diện của đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện theo Điều 187 BLTTDS không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Ø  Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm: Thời hạn kháng cáo là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của BLTTDS

Ø Xác định ngày kháng cáo:

o Trường hợp người kháng cáo trực tiếp nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn kháng cáo;

o Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì;

o  Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.

Ø  Phương pháp tính thời hạn:

o  Theo quy định tại khoản 2 Điều 147 BLDS: “Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định”. Vì vậy, thời hạn kháng cáo được bắt đầu tính từ ngày tiếp theo của ngày xác định tính thời hạn kháng cáo.

Ví dụ: Trường hợp thời hạn kháng cáo tính từ ngày tuyên án, ngày tuyên án là ngày 01/3/2021 thì thời gian kháng cáo 15 ngày bắt đầu tính từ ngày 02/3/2021, ngày cuối cùng của ngày kháng cáo là ngày 16/3/2021.

o  Khi ngày cuối cùng của thời hạn kháng cáo là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kháng cáo kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó

Ví dụ: Ngày kết thúc thời hạn kháng cáo là 10/7/2021 (ngày thứ bảy), nên phải xác định ngày kháng cáo cuối cùng là ngày 12/7/2021 (ngày thứ hai).

+  Kháng cáo quá hạn:

Ø Kháng cáo quá hạn là kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 273 BLTTDS. Giải quyết việc kháng cáo quá hạn như sau:

Ø Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày rõ lý do và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng.

Ø Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.

Ø Xét kháng cáo quá hạn:

o Thẩm quyền: Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án sơ thẩm.

o Thủ tục:

ü Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp trên trực tiếp thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn.

ü  Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của đại diện VKS cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

ü Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện VKS tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định.

o Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và VKS cùng cấp.

Lưu ý: Nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì chuyển hồ sơ kháng cáo về Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do BLTTDS quy định.

- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo:

Trường hợp đơn kháng cáo chưa đúng quy định tại Điều 272 BLTTDS thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo làm lại hoặc sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo.

- Tòa án trả lại đơn kháng cáo trong các trường hợp sau đây:

+ Người kháng cáo không có quyền kháng cáo;

+  Người kháng cáo không làm lại đơn kháng cáo hoặc không sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo theo yêu cầu của Tòa án;

+ Trường hợp hết thời hạn yêu cầu nộp tiền tạm ứng án phí mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là từ bỏ việc kháng cáo.

- Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm:

+ Sau khi xác định hồ sơ kháng cáo hợp lệ hoặc trường hợp kháng cáo quá hạn nhưng được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm;

+ Người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm;

+ Hết thời hạn mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là từ bỏ việc kháng cáo.

Lưu ý: Trường hợp sau khi hết thời hạn, người kháng cáo mới nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà không nêu rõ lý do thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án phải có văn bản trình bày lý do chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm để đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp này được xử lý theo thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn.

· Tiếp nhận Văn bản kháng nghị của VKS.

· Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử phúc thẩm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét