1.4.4.Tranh tụng tại phiên tòa

1.4.4.Tranh tụng tại phiên tòa

VBQPPL:

- BLTTDS (các điều từ Điều 247 đến Điều 263)

- Nghị quyết số 33/2021/QH15

- Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP (Điều 13)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Vai trò của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong tranh tụng:

- Chủ tọa phiên tòa là người điều khiển phần tranh tụng

+ Tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến, Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng;

+ Có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến không có liên quan đến vụ án đang xét xử.

-  Các thành viên của HĐXX, Kiểm sát viên nghe là chủ yếu, chỉ hỏi những vấn đề mà người tham gia tố tụng chưa trình bày rõ.

-  Thư ký phiên tòa ghi đầy đủ các diễn biến tranh tụng vào biên bản phiên tòa và thực hiện các công việc khác theo sự phân công của chủ tọa;

- Đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người thực hiện việc tranh tụng;

- Người tham gia tố tụng khác trình bày, trả lời những câu hỏi trong quá trình tranh tụng.

· Nội dung và trình tự tranh tụng:

- Trình bày của đương sự, trường hợp có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì người đó trình bày trước, đương sự trình bày bổ sung (Điều 248 BLTTDS).

- Nội dung của phần trình bày của đương sự:

+ Trình bày rõ các yêu cầu (yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập), những tài liệu, chứng cứ là căn cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ;

+ Trình bày những phản đối các yêu cầu, lý do, những tài liệu, chứng cứ chứng minh sự phản đối của mình là có căn cứ;

+ Tại phiên tòa, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chỉ có quyền bổ sung chứng cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 96 BLTTDS.

- Kỹ năng của Thẩm phán:

+ Điều hành việc trình bày theo thứ tự: Nguyên đơn trình bày trước, kế tiếp là bị đơn và sau cùng là NCQLNVLQ;

+ Chú ý lắng nghe các lời trình bày của đương sự để xác định những vấn đề đã trình bày rõ, những vấn đề chưa trình bày rõ để đặt câu hỏi yêu cầu đương sự trả lời.

· Hỏi, đáp tại phiên tòa:

- Đối tượng bị hỏi và phải trả lời bao gồm: Nguyên đơn; bị đơn; NCQLNVLQ; người làm chứng; người giám định)

- Nhằm đề cao vai trò chủ động của đương sự, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tranh tụng; người có quyền hỏi và thứ tự hỏi được thực hiện như sau:

+ Nguyên đơn hỏi trước;

+ Bị đơn;

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

+ Chủ tọa phiên tòa;

+ Các thành viên HĐXX;

+ Kiểm sát viên.

-  Kỹ năng của Thẩm phán:

+ Điều hành việc hỏi, trả lời câu hỏi đúng trình tự;

+ Việc đặt câu hỏi phải rõ ràng, nghiêm túc, không trùng lắp, không lợi dụng việc hỏi và trả lời để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của những người tham gia tố tụng;

+ HĐXX chỉ hỏi những vấn đề mà đương sự chưa trình bày rõ hoặc trình bày chưa đầy đủ nhằm có đủ cơ sở để HĐXX làm căn cứ giải quyết vụ án.

· Công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án, nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh để kiểm tra đánh giá các tài liệu, chứng cứ mà các bên đã giao nộp hoặc do Tòa án thu thập được trong quá trình tố tụng.

- Công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án

HĐXX công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án trong các trường hợp:

+ Người tham gia tố tụng không có mặt tại phiên tòa nhưng đã có lời khai trong giai đoạn chuẩn bị xét xử;

+ Lời khai của người tham gia tố tụng tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai trước đó;

+ Trong các trường hợp khác mà HĐXX thấy cần thiết hoặc có yêu cầu của Kiểm sát viên, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác.

- Nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh

HĐXX cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh tại phiên tòa trong trường hợp: 

+ Theo yêu cầu của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác, Kiểm sát viên; 

+ Khi HĐXX xét thấy cần thiết.

Lưu ý: Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo vệ người chưa thành niên theo yêu cầu của đương sự thì HĐXX không công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như không cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh tại phiên tòa.

- Xem xét vật chứng

+ HĐXX đưa vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng được đưa ra để xem xét tại phiên tòa;

+ Khi cần thiết, HĐXX có thể cùng với đương sự đến xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được.

· Phát biểu tranh luận của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự, người đại diện của đương sự.

- Là phần quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình tranh tụng. Trong phần này các đương sự có quyền phản bác các quan điểm của nhau, lập luận để bảo vệ quan điểm của mình, giúp cho HĐXX hiểu đầy đủ nội dung vụ án, bản chất của tranh chấp và đưa ra nhận định khách quan trong quyết định của bản án.

+ Thứ tự phát biểu:

Ø Nguyên đơn

Ø Bị đơn

Ø Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Lưu ý: Trường hợp có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì người đó trình bày trước, đương sự trình bày bổ sung.

+ Quá trình tranh luận có thể đối đáp lại lời tranh luận của các đương sự khác.

- Qua tranh luận, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét hoặc việc xem xét chưa được đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì HĐXX quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận.

· Phát biểu của Kiểm sát viên:

- Nội dung phát biểu:

+ Nhận xét về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, HĐXX, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án và

+ Về quan điểm của VKS đối với việc giải quyết vụ án.

- Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án.

· Đối với phiên tòa trực tuyến, trường hợp người tham gia tố tụng tại điểm cầu thành phần cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ thì thực hiện như sau:

- Người tham gia tố tụng tự sao chụp theo hình thức dữ liệu điện tử và gửi cho HĐXX, việc giao nộp thực hiện theo quy định của BLTTDS;

- Chủ tọa phiên tòa phải công bố (trừ trường hợp tài liệu, chứng cứ liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự), xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ này sau khi nhận được bản sao chụp tài liệu, chứng cứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét