1.4.1.Quy định chung về phiên tòa sơ thẩm
VBQPPL:
- BLTTDS (các điều từ Điều 222 đến Điều 238)
- Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP
- Nghị quyết số 33/2021/QH15
- Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP
- Án lệ số 12/2017/AL
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
· Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.
· Phiên tòa được tổ chức tại trụ sở Tòa án hoặc bên ngoài trụ sở Tòa án nhưng phải bảo đảm quy định về hình thức theo Điều 224 BLTTDS.
· Việc xét xử được thực hiện: “Trực tiếp và bằng lời nói”
- Xét xử trực tiếp: HĐXX:
+ Nghe: Đương sự và người tham gia tố tụng khác trình bày; ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên;
+ Đưa ra câu hỏi để các đương sự và người tham gia tố tụng khác trả lời;
+ Xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập được hoặc xuất trình tại phiên tòa;
+ Điều hành phiên tòa.
- Bằng lời nói: Tất cả hoạt động tại phiên tòa được thể hiện bằng lời nói. Người tham gia tố tụng dân sự là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại bằng lời nói.
· Lưu ý: BLTTDS không quy định xét xử “liên tục”; điều này có ý nghĩa trong quá trình xét xử mà HĐXX tạm ngừng phiên tòa; nghị án kéo dài thì các thành viên của HĐXX, VKS vẫn tiến hành các hoạt động tố tụng các vụ việc khác hoặc công tác khác.
· Thay thế thành viên HĐXX (trường hợp đặc biệt theo Điều 226)
Trường hợp có Thẩm phán, Hội thẩm không thể tiếp tục tham gia xét xử vụ án thì giải quyết như sau:
- Nếu có Thẩm phán và Hội thẩm dự khuyết có mặt tại phiên tòa từ đầu thì Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết đó thay thế thành viên HĐXX. Trường hợp HĐXX có hai Thẩm phán, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa không thể tiếp tục xét xử vụ án thì Thẩm phán thành viên HĐXX thay thế chủ tọa; Thẩm phán dự khuyết tham gia HĐXX;
- Nếu có Thẩm phán và Hội thẩm dự khuyết, nhưng không có mặt tại phiên tòa từ đầu thì hoãn phiên tòa; vụ án sẽ được xét xử lại từ đầu;
- Nếu không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết thì hoãn phiên tòa vụ án được xét xử lại từ đầu.
· Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 227):
Lưu ý: Luật chỉ quy định Tòa án triệu tập hợp lệ hai lần, do vậy:
- Tòa án đã quyết định hoãn phiên tòa và lý do hoãn phiên tòa không phải do lỗi của đương sự (nguyên đơn, bị đơn, NCQLNVLQ) hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Phiên tòa được mở lại nhưng có đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ vắng mặt thì Tòa án phải xác định đây là trường hợp đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa.
- Triệu tập hợp lệ lần thứ nhất: Vắng mặt bất kỳ ai và bất kỳ lý do gì thì HĐXX phải hoãn phiên tòa trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
- Triệu tập hợp lệ lần thứ hai: Có đương sự hoặc người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì giải quyết như sau:
+ Nếu có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì HĐXX “có thể” hoãn phiên tòa;
+ Nếu không có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan:
Ø Người vắng mặt là nguyên đơn hoặc người đại diện của nguyên đơn (trong trường hợp Tòa án triệu tập người đại diện nguyên đơn thay mặt nguyên đơn tham gia phiên tòa):
o Nguyên đơn có yêu cầu xét xử vắng mặt thì xét xử vắng mặt;
o Nguyên đơn không có yêu cầu xét xử vắng mặt bị coi từ bỏ việc khởi kiện và HĐXX ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (họ có quyền khởi kiện lại);
o Trường hợp vụ án có nhiều nguyên đơn, có nguyên đơn vắng mặt, có nguyên đơn có mặt thì chỉ đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vắng mặt, xét xử vụ án đối với những nguyên đơn có mặt hoặc vắng mặt nhưng có yêu cầu xét xử vắng mặt;
o Trường hợp vụ án có phản tố hoặc yêu cầu độc lập thì HĐXX vẫn tiến hành xét xử, trừ trường hợp quy định tại điểm c và d khoản 2 Điều 227 BLTTDS.
Ø Vắng mặt bị đơn:
o Không có yêu cầu phản tố thì HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt họ;
o Có yêu cầu phản tố mà không có người đại diện tham gia phiên tòa và không có yêu cầu xét xử vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt họ, đồng thời đình chỉ yêu cầu phản tố (họ có quyền khởi kiện lại vụ án khác); trường hợp họ có yêu cầu xét xử vắng mặt thì HĐXX vẫn xét xử vụ án cả phần yêu cầu phản tố của họ.
Ø Vắng mặt NCQLNVLQ:
o Không có yêu cầu độc lập thì HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt họ;
o Có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên tòa và không có yêu cầu xét xử vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt họ, đồng thời đình chỉ yêu cầu độc lập (họ có quyền khởi kiện lại vụ án khác); trường hợp họ có yêu cầu xét xử vắng mặt thì HĐXX vẫn xét xử vụ án cả phần yêu cầu phản tố của họ.
· Lưu ý:
- Nếu vụ án chỉ có yêu cầu khởi kiện và yêu cầu này bị đình chỉ do nguyên đơn vắng mặt (nêu trên) thì HĐXX ra quyết định đình chỉ toàn bộ vụ án;
- Nếu vụ án có cả yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập và có yêu cầu bị đình chỉ do đương sự vắng mặt (nêu trên), còn vụ án vẫn tiếp tục xét xử đối với các yêu cầu khác thì HĐXX không ra quyết định đình chỉ riêng mà tiến hành xét xử vụ án, phần bị đình chỉ được quyết định trong bản án;
- Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại Điều 228 BLTTDS;
- Việc xác định đương sự vắng mặt trên cơ sở việc tống đạt hợp lệ tới địa chỉ của đương sự. Việc xác định địa chỉ của đương sự được thực hiện theo Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP (tham khảo sơ đồ sau đây):
image
Khoản 2 Điều 5: Địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc, nơi có trụ sở đã ghi đúng theo khoản 1 Điều 5 Nghị quyết mà tại thời điểm khởi kiện đã được xác nhận, hoặc các tài liệu, chứng cứ khác xác định được địa chỉ là địa chỉ người bị kiện, NCQLNVLQ theo điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS.
Lưu ý: Trường hợp cần UTTP thì lưu ý Công ước về tống đạt và Công ước về thu thập chứng cứ (xem 1.3.6 tiểu mục 1.3 mục 1 phần A trong Phần thứ ba này).
· Sự có mặt của người làm chứng, người giám định, người phiên dịch (Điều 229, 230, 231 BLTTDS):
- Trường hợp người làm chứng, người giám định vắng mặt thì tùy từng trường hợp HĐXX có thể vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa;
- Người phiên dịch vắng mặt thì HĐXX phải hoãn phiên tòa (Điều 231).
· Sự có mặt của Kiểm sát viên: HĐXX vẫn tiến hành phiên tòa xét xử dù Kiểm sát viên vắng mặt (Điều 232 BLTTDS).
· Thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa (Điều 233 BLTTDS):
- Thời hạn hoãn phiên tòa không quá 01 tháng; đối với thủ tục rút gọn thì không quá 15 ngày;
- Quyết định hoãn phiên tòa được Chủ tọa phiên tòa công bố ngay tại phiên tòa và tống đạt cho những người vắng mặt.
Tham khảo: Trong quyết định hoãn phiên tòa, ở mục đ) thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa: nếu ấn định được ngay thời gian, địa điểm thì ghi rõ thời gian và địa điểm; nếu chưa ấn định được ngay thì ghi “sẽ được ấn định và thông báo sau”.
· Thủ tục ra bản án quyết định của Tòa án tại phiên tòa (Điều 235 BLTTDS):
- HĐXX thảo luận tại phòng nghị án, thông qua tại phiên tòa và phải lập thành văn bản đối với: Bản án; Quyết định về: Thay đổi người tiến hành tố tụng; người giám định; người phiên dịch; chuyển vụ án; tạm đình chỉ; đình chỉ giải quyết vụ án; hoãn phiên tòa; quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; tạm ngừng phiên tòa;
- Quyết định về các vấn đề khác được HĐXX thảo luận thông qua tại phòng xử án không phải lập thành văn bản nhưng được ghi vào biên bản phiên tòa: Quyết định về các vấn đề khác (Ví dụ: không chấp nhận việc: Thay đổi người tiến hành tố tụng, triệu tập nhân chứng, thay đổi địa vị tố tụng của đương sự…);
- Trường hợp HĐXX nhận đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT tại phiên tòa thì HĐXX xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án: Nếu chấp nhận thì HĐXX ra quyết định áp dụng BPKCTT; nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng BPKCTT thì HĐXX phải thông báo ngay tại phòng xử án và ghi vào biên bản phiên tòa (điểm b khoản 2 Điều 133 BLTTDS).
· HĐXX có thể xét xử vắng mặt tất cả những người tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 238 BLTTDS.
· Đối với phiên tòa trực tuyến, xem tiểu mục 1.3.1 mục 1 Phần thứ hai của Sổ tay Thẩm phán.
· Đối với phiên tòa trực tuyến, biên bản phiên tòa tuân thủ biểu mẫu theo quy định của pháp luật tố tụng. Ghi rõ phiên tòa diễn ra tại các điểm cầu nào; ghi rõ họ, tên VKS, công chức Tòa án, VKS hoặc cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ, tại điểm cầu thành phần.
· Trường hợp có người tham gia tố tụng đề nghị được xem biên bản phiên tòa thì Thư ký phiên tòa trình chiếu biên bản phiên tòa cho người đề nghị và thực hiện các thủ tục khác có liên quan (nếu có) theo quy định của pháp luật về tố tụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét