1.3.3.Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải

1.3.3. Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải

VBQPPL:

- BLTTDS (từ Điều 205 đến Điều 213)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

1.3.3.1.Điều kiện

· Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải được tiến hành sau khi Thẩm phán hoàn thành các công việc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm sau đây:

- Lập hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 198 của BLTTDS.

- Xác định tư cách đương sự, người tham gia tố tụng khác.

- Xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự và pháp luật cần áp dụng.

Lưu ý: Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên và vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự, Thẩm phán cần thực hiện một số công việc được quy định tại khoản 3 Điều 208 BLTTDS.

· Ra thông báo về phiên họp theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 208 BLTTDS (Mẫu số 32-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP).

· Thành phần phiên họp được quy định cụ thể tại khoản 1 và khoản 2 Điều 209 BLTTDS.

· Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ:

- Các vụ án đều phải thực hiện phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, kể cả những vụ không được hòa giải hoặc hòa giải không được;

- Trình tự, thủ tục phiên họp:

+ Thư ký Tòa án báo cáo Thẩm phán về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên họp đã được Tòa án thông báo;

+ Thẩm phán điều hành phiên họp, kiểm tra lại sự có mặt và căn cước của những người tham gia, phổ biến cho các đương sự về quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của BLTTDS;

+ Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi và yêu cầu đương sự xác định về những vấn đề sau đây:

Ø Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;

Ø Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;

Ø Có bổ sung tài liệu, chứng cứ không? Có yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ không? Có yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa không?

Ø Những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.

+ Sau khi các đương sự đã trình bày xong, Thẩm phán xem xét các ý kiến, giải quyết các yêu cầu của đương sự về chứng cứ;

- Lập biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, nội dung và hình thức biên bản theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 211 BLTTDS và theo Mẫu số 35-DS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP);

- Trường hợp người được Tòa án triệu tập vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ.

· Phiên hòa giải:

- Những trường hợp không được hòa giải và hòa giải không được:

+ Những trường hợp không được hòa giải (Điều 206 BLTTDS):

Ø Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;

Ø Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

+ Những trường hợp hòa giải không được (Điều 207 BLTTDS):

Ø Bị đơn, NCQLNVLQ đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt;

Ø Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng;

Ø Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;

Ø Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.

- Thủ tục tiến hành hòa giải:

Thẩm phán cần sử dụng tốt kỹ năng hòa giải trong suốt quá trình hòa giải, diễn biến phiên hòa giải sẽ do Thẩm phán điều hành theo phương pháp linh hoạt, tuy nhiên theo những trình tự cơ bản sau đây:

+ Thẩm phán phổ biến cho các đương sự về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các đương sự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án;

+ Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày về yêu cầu của nguyên đơn, phản tố của bị đơn (nếu có), yêu cầu độc lập của NCQLNVLQ (nếu có);

- Bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố (nếu có);

- NCQLNVLQ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn; trình bày yêu cầu độc lập của mình (nếu có);

- Người khác tham gia phiên họp hòa giải (nếu có) phát biểu ý kiến;

- Thẩm phán xác định những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất và yêu cầu các đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;

- Lập biên bản hòa giải sau khi kết thúc phiên hòa giải (kể cả hòa giải thành hoặc không thành):

+ Biên bản hòa giải theo Mẫu số 34-DS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP);

+ Biên bản hoà giải thành theo Mẫu số 36-DS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP);

+ Biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành theo Mẫu số 37-DS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét