1.2.2. Hợp đồng vay tiền có lãi

1.2.2. Hợp đồng vay tiền có lãi

VBQPPL:

-BLDS (các điều 466, 468, 469 và 470)

- Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP

- Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 (mục 3 Phần III)

- Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC (mục 3 Phần III)

Công việc chính và kỹ năng thực hiện:

· Hợp đồng vay có lãi là loại hợp đồng có thoả thuận trả lãi. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản vay. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất là 10%/năm (Điều 468 BLDS).

· Lưu ý: Mức lãi suất này có thể bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế.

· Đối với hợp đồng vay có thời hạn thì nghĩa vụ trả nợ của bên vay bao gồm:

- Tiền gốc chưa trả;

- Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS (hiện nay là 20%/năm) tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS  tại thời điểm trả nợ;

- Lãi trên số tiền nợ lãi trong hạn: Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS (hiện này là 10%/năm) tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS.

(Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP).

· Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận về lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn cao hơn mức lãi suất, lãi trên nợ gốc quá hạn, lãi trên nợ lãi quá hạn được pháp luật quy định thì phần vượt quá không có hiệu lực; số tiền lãi đã trả vượt quá được trừ vào số tiền nợ gốc tại thời điểm trả lãi; nếu còn lại sau khi đã trừ hết nợ gốc thì được trả lại cho bên vay (Điều 9 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP).

· Xử lý thỏa thuận vừa có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa có thỏa thuận lãi trên nợ gốc quá hạn, lưu ý: nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn (Điều 12 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP).

· Xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả:

- “Thời điểm trả nợ” là thời điểm xét xử sơ thẩm. “Thời điểm xét xử sơ thẩm” là ngày Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hoặc ngày Tòa án tuyên án khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử sơ thẩm lại.

- “Thời gian chậm trả” được xác định như sau:

+ Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn thì thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết “thời gian hợp lý” đến thời điểm xét xử sơ thẩm. “Thời gian hợp lý” quy định tại Điều 474 BLDS năm 1995, Điều 477 BLDS năm 2005, Điều 469 BLDS năm 2015 do Tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo;

+ Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn thì thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết kỳ hạn vay đến thời điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

+ Thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc chưa trả bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày phải trả lãi trên nợ gốc đến thời điểm xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét